Đất nước ta vốn có một nền lịch sử lâu đời, đa dạng, độc đáo và đặc sắc. Điều này thể hiện rất rõ qua số lượng trang phục truyền thống phong phú, đủ chủng loại. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về các loại trang phục truyền thống của người Việt Nam.
Trang phục Áo dài
Có thể nói khi nhắc đến trang phục truyền thống, chắc hẳn hầu hết mọi người dân Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến Áo dài. Không chỉ là loại trang phục có lịch sử lâu đời, Áo dài còn được xem là quốc phục chứa đựng những gì tinh túy nhất của người dân Việt. Trước đây, Áo dài được mặc bởi cả nam và nữ ở hầu hết mọi thời điểm. Tuy nhiên hiện nay, loại trang phục này hầu như chỉ còn được sử dụng bởi nữ giới trong một số dịp lễ đặc biệt hay khi đi học hoặc đi làm ở một số doanh nghiệp có quy định mặc Áo dài. Bên cạnh đó, Áo dài màu tím còn là biểu tượng cho người con gái Huế dịu dàng, thanh mảnh, kín đáo và e ấp.
Trang phục áo tứ thân
Từ lâu, áo tứ thân đã được xem là trang phục truyền thống của những người phụ nữ miền Bắc Việt Nam. Mang tính biểu tượng cao nên thiết kế loại trang phục này cũng ẩn chứa nhiều nét tượng trưng cho các đức tính tốt đẹp: tà áo xẻ làm bốn tượng trưng cho cha mẹ mình và cha mẹ chồng (tứ thân phụ mẫu); vạt cụt nằm trong hai vạt áo tượng trưng cho sự ôm ấp, đùm bọc con cái của cha mẹ; năm nút áo là biểu tượng cho 5 đức tính tốt đẹp của con người (ngũ thường) gồm có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; hai vạt áo trước được buộc chặt, tượng trưng cho tình cảm vợ chồng luôn gắn bó thủy chung. Hiện nay, áo tứ thân hầu như chỉ còn được nhìn thấy trong các dịp đặc biệt như lễ, tết, hội hè,….
Trang phục áo bà ba
Áo bà ba là trang phục truyền thống dành cho cả nam và nữ giới ở khu vực các tỉnh thành phía Nam nước ta. Trang phục này có thiết kế đơn giản, tương tự như các loại áo thông thường và được làm từ các loại vải mềm, nhẹ, mỏng và rất mát, giúp dễ giặt, nhanh khô. Do những ưu điểm trên nên hiện nay, áo bà ba vẫn là loại trang phục rất được ưa chuộng để mặc khi ở nhà, đi chơi, đi chợ, đi làm hay tham gia vào các dịp lễ hội truyền thống. Áo bà ba còn được xem là biểu tượng của người con gái Nam Bộ dịu dàng, hiền lành nhưng vẫn giữ được nét phóng khoáng và vui tươi.
Trang phục áo chàm
Áo chàm là loại áo truyền thống của một số dân tộc thiểu số ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc nước ta. Loại áo này làm từ vải tự dệt, nhuộm màu bằng vỏ cây chàm và không trang trí hoa văn. Trước đây, áo chàm vốn là loại trang phục phổ biến, được mặc ở hầu hết mọi thời điểm. Tuy nhiên hiện nay, loại trang phục này đã trở nên mai một dần do quá trình sản xuất phức tạp và rất tốn thời gian, công sức.
Trang phục truyền thống các dân tộc ít người
Với 54 dân tộc đang cư trú, nước ta có nhiều loại trang phục truyền thống rất độc đáo và đặc sắc. Có thể kể đến một số loại trang phục nổi tiếng và phổ biến như:
– Trang phục Mường: Nam giới người Mường mặc một loại áo cánh xẻ ngực, có cổ tròn, quần ống rộng và thắt khăn ở bụng. Nữ giới người Mường mặc áo cánh có thân ngắn, tay áo dài quá khuỷu, váy màu đen dài tới mắt cá chân. Cạp váy của nữ thường có thể được trang trí các hoa văn được dệt rất cầu kỳ.
– Trang phục của người Ba Na: Nam giới người Ba Na thường mặc áo cộc tay, có xẻ cổ để chui đầu, đóng khố. Nữ giới người Ba Na thì mặc áo cộc tay hoặc dài tay, có xẻ cổ để chui đầu, mang váy hở (thực chất là tấm vải lớn quấn quanh người) dài tới chân.
– Người Ê Đê: Nam giới người Ê Đê có hai loại áo: áo dài xẻ tả trùm mông hoặc áo dài tay xẻ cổ chui đầu, dài quá gối, đóng khố. Nữ giới người Ê Đê mặc áo thân ngắn, dài tay, mang váy hở tương tự như người Ba Na.
– Người Gia Rai: Nam giới mặc áo cộc tay hoặc dài tay, xẻ cổ để chui đầu. Nữ mặc áo ngắn thân chui đầu, mang váy hở.
– Người Chăm: Nam giới người Chăm mặc áo cánh, xếp chéo và cài dây, mang quần sóoc bên trong và váy xếp bên ngoài. Nữ người Chăm có thể mặc các loại đồ khác nhau, thông thường là áo cổ tròn cài nút từ cổ tới bụng, mặc váy xếp hoặc váy ống.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.