Nhựa là chất liệu được sử dụng phổ biến trong cuộc sống. Bên cạnh sự tiện lợi của việc dùng đồ nhựa, chai nhựa thì nó cũng tồn tại nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe và môi trường nếu không được sử dụng đúng cách. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, hãy cùng 24hTin tìm hiểu về ý nghĩa của các ký hiệu dưới đáy chai nhựa và vật dụng bằng nhựa trong bài viết này.
Ký hiệu dưới đáy chai nhựa thể hiện ý nghĩa gì?
Nhiều năm trở lại đây, đã có không ít nghiên cứu về nhựa và khả năng gây ung thư của chúng. Năm 2017, Cơ quan hóa chất châu Âu đã chính thức đưa ra kết luận rằng khi ở môi trường nhiệt độ cao, hợp chất Bisphenol A (BPA) trong nhựa sẽ ngấm vào thức ăn, nước uống, gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm. Loại chất này có khả năng phá hủy nội tiết tố, làm suy giảm chức năng hệ thần kinh, gây vô sinh ở nam giới,…và kể cả ung thư. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại nhựa đều có chứa thành phần này và tính chất, khả năng chịu nhiệt, cách sử dụng, bảo quản của mỗi loại nhựa cũng khác nhau. Chúng được thể hiện qua các ký hiệu tam giác có số trên nắp, thân hay phổ biến nhất là ở dưới đáy các chai nhựa.
Ý nghĩa của các ký hiệu dưới đáy chai nhựa
Hiện nay, có 7 loại nhựa dân dụng phổ biến để sản xuất chai lọ. Hiểu rõ được ý nghĩa của các ký hiệu được in dưới đáy của chúng, bạn sẽ biết cách sử dụng, bảo quản đồ dùng, chai nhựa sao cho đúng và an toàn. Cụ thể như sau:
Nhựa PET
Nhựa PET là loại nhựa an toàn, thường được sử dụng để sản xuất các loại chai dùng một lần như: chai nước khoáng, chai dầu ăn, chai nước ngọt,….Tuy nhiên, đây là loại nhựa dễ tích tụ vi khuẩn và sản sinh BPA khi gặp nhiệt độ cao. Vì thế, khi sử dụng các loại chai nhựa số 1, bạn chỉ nên dùng một lần và không được để trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, cốp xe hay bất cứ đâu có nhiệt độ cao.
Nhựa HDPE
Loại nhựa này thường dùng để sản xuất các loại chai như: bình sữa, chai dầu gội, chai đựng nước tẩy rửa,….Loại nhựa này tương đối an toàn cho sức khỏe.
Nhựa PVC
Nhựa PVC là loại nhựa vô cùng độc hại, nhựa mới có mùi rất nồng, thường được dùng làm áo mưa, ống nước,….Loại nhựa này được khuyến cáo không nên dùng chứa thực phẩm. Tuy nhiên, các màng bọc thực phẩm lại được làm từ nhựa PVC. Thế nhưng, bạn cũng không cần quá lo lắng vì màng bọc thực phẩm vẫn an toàn khi sử dụng cho thực phẩm dưới 81 độ C.
Nhựa LDPE
Nhựa số 4 thường dùng để sản xuất bao bì, túi đựng đồ, hộp chứa thực phẩm,….Ở nhiệt độ thường, nhựa LDPE không gây nguy hại cho sức khỏe nhưng sẽ rất nguy hiểm khi dùng nhựa này để chứa thực phẩm nóng.
Nhựa PP
Trong tất cả các loại nhựa thì PP là loại an toàn và có khả năng chịu nhiệt cao nhất. Nhựa số 5 thường dùng sản xuất hộp chứa thực phẩm, ống hút, hộp chứa thuốc,….Tuy nhiên, việc sử dụng loại nhựa này có tuyệt đối an toàn với lò vi sóng hay không vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng. Tốt nhất, bạn vẫn không nên dùng nhựa để chứa thực phẩm nóng.
Nhựa PS
Các loại chén dĩa, hộp xốp, dụng cụ ăn uống dùng một lần được sản xuất bằng nhựa PS. Cũng tương tự như nhựa PET, loại nhựa này dùng an toàn cho thực phẩm ở nhiệt độ bình thường và giải phóng BPA khi gặp nhiệt độ cao. Ngoài ra, nó còn được dùng để sản xuất băng đĩa, khay tủ lạnh,….
Nhựa tổng hợp
Ngoài những loại nhựa trên thì còn có một loại nhựa phổ biến nữa là nhựa tổng hợp. Loại nhựa này thường được làm từ PC hoặc Tritan, dùng sản xuất các loại bình uống nước thể thao, bình sữa, băng đĩa,….Nhựa PC cũng có chứa một lượng BPA nhưng ở mức an toàn. Nhựa Tritan thường không chứa BPA và bạn có thể phân biệt chúng bằng dòng chữ “BPA Free”, tức là không chứa BPA. Tuy nhiên, một số loại nhựa tổng hợp khác lại có khả năng gây hại đến sức khỏe người sử dụng.
Trên đây là ý nghĩa của các ký hiệu đáy chai nhựa chúng mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn đã biết cách lựa chọn, sử dụng và bảo quản các loại đồ dùng, chai nhựa sao cho an toàn.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.