Hầu như bất cứ một bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn con mình khôn lớn và trở thành một người tốt, có nhân cách toàn diện. Để làm được điều đó, các vị phụ huynh phải có phương pháp nuôi dạy con đúng đắn, tạo cho bé những đức tính, thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, việc dạy cho trẻ biết những điều tốt là rất khó khăn trong khi để trẻ học các điều xấu thì lại quá dễ dàng. Chính vì vậy mà hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường băn khoăn không biết cách nuôi dạy con đơn giản và hiệu quả như thế nào?
Phương pháp dạy con hiệu quả theo từng giai đoạn
Từ lúc còn bé cho đến khi lớn lên, trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn với những biến đổi thất thường về mặt cảm xúc, tính cách. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải nắm rõ phương pháp dạy con hiệu quả theo từng độ tuổi. Cụ thể như sau:
► Giai đoạn từ 2 – 6 tuổi: Đây là giai đoạn rất quan trọng bởi trẻ đang dần hình thành những thói quen, tính cách của bản thân. Vì thế, mục đích chính của việc nuôi dạy con ở giai đoạn này là giúp bé phát triển tốt về mặt trí tuệ, tình cảm, từ đó định hướng các nhân cách tốt mà bé sẽ có trong tương lai. Do đó, bạn nên rèn cho bé một số thói quen về sự tự giác, đúng giờ, sự lễ phép, khả năng đánh giá, tư duy,….Tuyệt đối nói không với “đòn roi” bởi nó sẽ chỉ đưa lại những tác động tiêu cực.
► Giai đoạn từ 6 – 11 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với môi trường, xã hội để hình thành những cơ sở ban đầu cho tính cách, suy nghĩ, đạo đức khi trưởng thành. Đây cũng là giai đoạn mà trẻ bắt đầu học được cách tự lập. Vì vậy, cha mẹ cần phải rèn luyện cho trẻ khả năng đánh giá các mặt đúng, sai của một vấn đề để đưa ra quyết định hợp lý nhất. Bên cạnh đó, các vị phụ huynh cũng cần tập cho trẻ đối mặt với những kết quả xảy ra do hành động của mình mang lại. Ngoài ra, đây còn là giai đoạn bé bắt đầu đến trường vì thế bạn cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các thầy cô để việc nuôi dạy bé đạt hiệu quả tốt nhất.
► Giai đoạn từ 11 – 15 tuổi: Giai đoạn này cực kỳ quan trọng bởi nó là thời điểm quyết định cho việc hình thành tính cách, suy nghĩ, đạo đức của trẻ. Bên cạnh đó đây còn là giai đoạn dậy thì với những sự thay đổi đột ngột, những quan niệm về giới tính có thể khiến trẻ cảm thấy hoang mang, lo sợ và dễ dàng “đi nhầm đường”. Do đó ở giai đoạn này, cha mẹ cần quan tâm đến con mình một cách sát sao, dành nhiều thời gian để chia sẻ, giải đáp thắc mắc đồng thời giúp con củng cố lại những nhân cách, thói quen tốt.
► Giai đoạn từ 15 tuổi trở lên: Đây là giai đoạn con đã bắt đầu trưởng thành. Do đó, cha mẹ cần phải tiến hành định hướng tương lai (về nghề nghiệp, cuộc sống) đồng thời thường xuyên chia sẻ với con về vấn đề tình cảm của tuổi mới lớn.
Những cách nuôi dạy con đơn giản và có hiệu quả tốt
1. Tăng thời gian tương tác với trẻ
Theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ nhận được sự quan tâm, yêu thương trọn vẹn từ phía cha mẹ thường có trí thông minh cao và khả năng tư duy tốt hơn hẳn. Bên cạnh đó làm như vậy cũng sẽ giúp cho trẻ học được cách bày tỏ tình cảm, sự quan tâm đến người khác. Ngoài ra, việc có một mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ còn giúp trẻ nhận ra lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại và từ đó học được cách xây dựng mối quan hệ tốt với những người khác.
Cách thực hiện:
– Thường xuyên nói chuyện với con.
– Khích lệ và khen ngợi trẻ với những nỗ lực mà chúng đã đạt được.
– Hãy tỏ ra là một độc giả trung thành trước những câu chuyện “thầm kín” của con và cho bé một lời khuyên đúng đắn.
– Đọc sách, kể chuyện cho con nghe.
2. Tạo điều kiện để bé vui chơi, hoạt động một cách đúng nghĩa
Việc được hoạt động, vui chơi một cách đúng nghĩa là nền tảng cho sự hình thành, phát triển một thể chất khỏe mạnh, một trí thông minh nhạy bén và một khả năng quan sát sắc sảo. Bên cạnh đó, việc được vui chơi thoải mái sẽ tạo cho bé sự năng động, vui vẻ, tinh thần lạc quan và yêu đời – những nền tảng cốt lõi để trở thành một con người toàn diện.
Cách thực hiện:
– Hướng dẫn cho trẻ một số kỹ năng, dạy trẻ một số điều cần chú ý khi hoạt động, vui chơi.
– Cho trẻ hoạt động ngoài trời một cách tự do, không bị gò bó.
– Khuyến khích trẻ vui chơi cùng với các bạn khác.
– Động viên bé tập thể dục thường xuyên.
3. Trở thành tấm gương cho con noi theo
Trẻ em là một “tấm gương” sẽ phản chiếu lại tính cách, cách hành xử của bố mẹ và những người xung quanh. Do đó nếu muốn trẻ trở thành một con người toàn diện thì trước tiên, bạn cũng sẽ phải là một con người toàn diện.
Cách thực hiện:
– Cẩn thận với những lời nói, hành động trước mặt con trẻ.
– Đặc biệt chú ý đến những hành động thể hiện tính cách mà bạn muốn con mình noi theo như sự trung thực, khiêm tốn,….
– Sẵn sàng thừa nhận khi phạm sai lầm và thảo luận với trẻ về cách mà mình đã sửa sai như thế nào.
– Luôn không ngừng nỗ lực để trở thành một con người có nhân cách toàn diện.
4. Ưu tiên việc hình thành sự tử tế, tốt bụng ở trẻ
Sự tử tế, tốt bụng chính là những yếu tố cốt lõi trong việc hình thành nhân cách của con người. Đây cũng là một trong những đức tính quan trọng nhất mà mỗi bậc làm cha, làm mẹ đều cần phải ưu tiên hàng đầu khi nuôi dạy con cái.
Cách thực hiện:
– Đặt ra cho trẻ những kỳ vọng cao về mặt đạo đức, đặc biệt là sự tốt bụng, sự tử tế.
– Nhờ giáo viên thường xuyên quan tâm xem trẻ có biết giúp đỡ các bạn khi ở trường hay không.
– Luôn nhấn mạnh với con tầm quan trọng của việc đối xử mọi người một cách tử tế.
– Khích lệ trẻ suy nghĩ đến những người sẽ bị ảnh hưởng bởi hành vi xấu của mình trước khi xử lý, giải quyết một vấn đề, một mâu thuẫn nào đó trong cuộc sống.
5. Giao một số nhiệm vụ, việc nhà cho trẻ
Việc giao cho trẻ làm một số công việc nhà ngoài tác dụng hình thành đức tính tự giác, chăm chỉ thì còn giúp trẻ biết học cách quan tâm tới người khác mà trước hết là những người trong gia đình. Bên cạnh đó, việc giao cho trẻ làm việc nhà cũng sẽ tạo cho trẻ tính độc lập, khả năng tự xoay xở khi ra ngoài xã hội.
Cách thực hiện:
– Cho trẻ quan sát khi mình làm việc nhà và để trẻ làm theo.
– Nếu trẻ gặp bế tắc, hãy để con tự xoay xở một thời gian trước khi giúp đỡ.
– Thể hiện sự cảm kích và tôn trọng việc làm của trẻ bằng cách cảm ơn khi đã làm xong việc.
6. Giúp trẻ có một suy nghĩ rộng lớn hơn
Thông thường, trẻ sẽ chỉ quan tâm tới một nhóm nhỏ bao gồm gia đình, người thân, bạn bè. Vì vậy, cha mẹ nên cố gắng mở rộng giới hạn ấy để giúp trẻ có một tầm nhìn rộng lớn hơn, qua đó hình thành khả năng lắng nghe, sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn.
Cách thực hiện:
– Thường xuyên trò chuyện với con về thế giới rộng lớn và những con người trên thế giới.
– Thảo luận và chia sẻ những ý tưởng để xử lý các khó khăn, thử thách mà trẻ và mọi người gặp phải.
– Khích lệ trẻ lắng nghe ý kiến của người khác, đặc biệt là với những người không cùng quan điểm.
7. Giúp trẻ tự nhận diện cảm xúc của bản thân
Việc nhận diện được cảm xúc của bản thân sẽ giúp trẻ có thể tự kiểm soát tâm lý của mình mọi lúc, mọi nơi. Qua đó mang lại cho trẻ khả năng bình tĩnh, không nóng giận, vội vã, căng thẳng hay lo âu trước những mâu thuẫn, những biến cố bất ngờ.
Cách thực hiện:
– Thường xuyên hỗ trợ để trẻ có thể tự nhận biết được các cảm xúc của mình: vui vẻ, tức giận, bất an, lo âu,….
– Dạy cho trẻ một số công cụ để kiểm soát cảm xúc: hít thở sâu, đếm số, đi ra nơi khác,….
– Khích lệ trẻ xử lý mâu thuẫn và thấu hiểu cảm xúc của người khác bằng cách lắng nghe những cảm xúc mà họ đang trải qua.
Trên đây là một số thông tin về cách nuôi dạy con đơn giản và hiệu quả mà 24hTin muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết này, các bạn đã có thêm những kiến thức để nuôi dạy con mình một cách tốt nhất, giúp trẻ trở thành con người toàn diện, có ích cho gia đình và xã hội.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.