Hải sản là món ăn yêu thích của rất nhiều người không chỉ vì chúng thơm ngon, dễ chế biến mà còn rất bổ dưỡng. Vậy nên khi có dịp đi du lịch biển mọi người thường mua hải sản mang về dự trữ hoặc làm quà biếu. Tuy nhiên nếu không biết cách vận chuyển hải sản tươi sống đi xa hiệu quả, khi mang về đến nơi chất lượng của chúng sẽ không còn được như ban đầu. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem vận chuyển hải sản tươi sống đi xa như thế nào nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề này.
Cách chọn hải sản tươi ngon
Để hải sản vẫn đảm bảo tươi ngon sau khi vận chuyển qua quãng đường dài, trước hết bạn cần phải biết cách chọn mua. Khi chọn mua hải sản, bạn cần lưu ý:
Đối với hải sản sống:
► Cua: Cua phải cử động khỏe. Cua càng nhiều tuổi thịt càng chắc và ngon, mai cua có nhiều gân lồi. Chọn cua có màu xám đục, thân cua chắc, ấn vào yếm thấy chắc.
► Nghêu: Chọn những con đóng chắc miệng. Nghêu mở miệng chạm vào không rụt lại là đã chết, không nên mua.
► Sò, ốc: Chỉ nên chọn những con còn sống, khi vỏ mở bạn dùng tay chạm vào, vỏ chúng đóng lại, cứng không cạy ra được. Nếu những con vỏ đóng thì nên ngửi xem có mùi hôi hay không. Nếu có mùi thì không chọn.
► Ghẹ: Có rất nhiều loại ghẹ. Tuy nhiên, ghẹ xanh là loại ngon và bổ dưỡng nhất. Nếu muốn ăn gạch thì nên chọn ghẹ cái có thân hơi ngả vàng và yếm to. Ăn thịt thì nên chọn ghẹ đực, có yếm nhỏ hơn. Ấn vào thấy yếm chắc chắn là được.
Đối với hải sản đã chết:
► Cá: Bề ngoài còn tươi, mang còn đỏ hồng, mắt còn sáng. Đối với một số loại cá có thể mắt hơi lồi ra một tí nhưng nếu lồi hẳn ra ngoài là cá ươn. Thử dùng tay ấn vào thịt cá, nếu thịt cá nhanh chóng trở về nguyên trạng ban đầu thì cá còn tươi. Vì thịt cá có khả năng đàn hồi. Thịt cá lâu đàn hồi thì không nên chọn.
► Tôm: Chọn những con đầu dính chắc vào thân, vỏ còn cứng và không có mùi, không ngả màu đỏ.
► Mực: Chọn mực có đầu còn dính vào thân, túi mực chưa vỡ, dày thịt, râu cứng.
Cách đóng gói và vận chuyển hải sản tươi sống đi xa
Mỗi loại hải sản sẽ được đóng gói theo cách riêng biệt. Chẳng hạn:
► Cua: Cột chặt cua và cho vào thùng xốp có đục lỗ để cua thở. Cho cua vào và trùm một chiếc khăn ướt lên để cua không bị mất nước.
► Tôm hùm: Làm tôm ngủ đông bằng cách cho vào nhiệt độ lạnh đột ngột. Sau đó cho tôm vào túi và đắp rong biển lên, bơm ô xi vào rồi cột chặt túi.
► Đối với các loại hải sản khác: Cho vào thùng 1 lớp đá xay nhuyễn rồi để 1 lớp hải sản lên, sau đó lại tiếp tục trải lên cứ 1 lớp đá 1 lớp hải sản. Nên nhớ lớp đầu tiên và lớp cuối cùng phải là đá nhé. Sau đó dán băng keo chắc chắn lại.
Lưu ý: Bạn nên chọn thùng xốp có kích cỡ vừa đủ không nên quá rộng hay quá chật để thuận tiện cho việc di chuyển. Với cách bảo quản này bạn có thể giữ được hơn 1 ngày nên không cần phải lo lắng nếu đường xa.
Một số lưu ý về thời gian và cách bảo quản hải sản
Nếu có những bể nuôi chuyên dụng và máy ô xi thì bạn không cần quá lo lắng về cách bảo quản. Tuy nhiên nếu không có bể nuôi thì bạn có thể áp dụng những phương pháp sau:
► Nghêu, sò, ốc: Rửa sạch, bảo quản được trong ngăn đông khoảng 2 tuần.
► Cua: Cho vào xô cao. Cua có thể sống khoảng 1 tuần. Nhớ đậy cẩn thận và thường xuyên vảy nước cho cua nhé.
► Ghẹ: Cho vào túi để tủ lạnh ngăn đông nhưng không nên để quá 3 ngày, ăn sẽ không ngon.
► Tôm hùm: Nếu không có nước biển thì phải đắp rong biển lên nhưng cũng không thể sống quá 2 ngày.
► Các loại tôm khác: Cắt bỏ râu rồi bảo quản trong ngăn đông.
► Các loại cá: Làm sạch ruột và mang rồi để ngăn đông.
► Mực: Lấy túi mực và bảo bản ở ngăn đông.
Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng thì tránh bảo quản các loại hải sản quá lâu. Nên chế biến trong thời gian sớm để đảm bảo được độ ngon cũng như dinh dưỡng.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.