Tuy chỉ là một thị trấn nhỏ, có tổng diện tích 2.1 km2 nhưng Tam Đảo luôn là điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng. Du khách đến đây không chỉ bị mê hoặc bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ và cảnh vật xinh đẹp mà còn bởi những món đặc sản rất riêng của Tam Đảo. Nếu bạn đang có ý định ghé thăm thị trấn này nhưng chưa biết đến Tam Đảo du lịch nên ăn gì thì hãy tham khảo bài viết dưới đây của 24h Tin.
1. Ngọn su su
Khi nhắc đến đặc sản Tam Đảo, mọi người sẽ nghĩ ngay đến ngọn su su. Có lẽ vì khí hậu, nguồn nước và đất trồng ở Tam Đảo thích hợp với loại cây này nên chúng phát triển rất xanh tốt và ngon. Su su ở đây chủ yếu trồng để lấy ngọn chứ không phải lấy quả như các nơi khác. Ngọn su su có thể luộc, xào tỏi hay xào cùng với các món khác rất ngọt và thơm.
2. Gà đồi
Món gà ngon đúng đặc sản của Tam Đảo phải là gà đồi, thả tự nhiên trong rừng. Loại gà này thịt rất dai và ngọt, không mềm như gà nuôi. Gà đồi thường được chế biến bằng cách bọc giấy bạc nướng, đắp đất hoặc nướng mật ong, luộc,….
3. Lợn mán
Cũng tương tự như gà đồi, lợn mán được người dân thả vào rừng từ khi còn nhỏ. Khi lợn đủ trưởng thành, người ta sẽ bắt về làm thịt. Vì thả tự nhiên nên lợn mán không to như lợn nuôi nhưng thịt sẽ ngon và ít mỡ hơn.
4. Thịt bò tái kiến đốt
Món này nghe khá lạ nhưng rất nổi tiếng ở Tam Đảo. Để chế biến món bò tái kiến đốt, đầu tiên người ta sẽ cắt thịt bò thành những miếng to. Sau đó đem treo ở cạnh tổ kiến và chọc cho bầy kiến bâu vào rồi đốt miếng thịt. Cuối cùng, họ sẽ mang thịt về rửa sạch rồi nướng trên lửa than. Mỗi loại kiến sẽ tạo nên một hương vị khác nhau. Thịt bò tái kiến đốt được cuộn và ăn cùng rau sống, chuối chát, rau ngổ, chấm tương làm từ ngô và đậu pha với chút gừng, đường.
5. Cá bống suối
Nếu có dịp đến Tam Đảo thì nhất định bạn phải thử món cá bống suối nổi tiếng của vùng đất này. Cá thường được chế biến bằng cách chiên giòn hoặc kho tương, ăn rất béo và thơm. Hiện nay, cá bống suối tự nhiên tương đối hiếm nên người dân ở đây đã đắp đập trên các con suối nhỏ để nuôi loại cá này.
6. Măng rừng
Đa phần người dân ở Tam Đảo thích ăn các loại thức ăn tự nhiên vì chúng ngon hơn các loại được nuôi trồng. Trong đó điển hình nhất là măng rừng. Người dân Tam Đảo thường ăn măng nứa hoặc măng tre, trúc mọc tự nhiên. Ngoài nấu ăn, măng rừng còn có thể dùng ngâm muối chua hoặc luộc chấm mắm cay hay muối tiêu chanh.
7. Bánh tro chấm mật
Bánh tro là món bánh đặc trưng của Vĩnh Phúc. Người ta thường nấu bánh vào những dịp quan trọng hoặc lễ, tết. Họ dùng bột nếp nhồi bằng nước lọc từ măng tre phơi khô hoặc vỏ đậu tương để nấu bánh. Sau khi bánh được hấp chín trong khoảng từ 4 đến 6 giờ, đợi ráo nước là có thể thưởng thức. Bánh khi ăn chấm cùng với mật, có vị ngọt, mềm và dai rất ngon.
8. Xôi đen
Xôi đen có nhiều tác dụng tích cực đối với cơ thể như: bổ máu, chữa đau đầu, cải thiện tiêu hóa,….Món này được nấu từ gạo nếp ngâm nước lá lau xanh và lá bánh tẻ. Xôi chín có màu xanh đen, rất dẻo và thơm.
9. Rượu chít
Rượu chít được ngâm từ loài sâu chít, là loại rượu đặc trưng của vùng núi phía Bắc nói chung và Tam Đảo nói riêng. Sâu chít có màu trắng ngà, dài khoảng hai đốt tay, thường nấp trong các bụi cây héo úa. Rượu chít có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho cả người già và trẻ nhỏ, đặc biệt là có tác dụng bổ thận, tráng dương rất công hiệu.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.