Chúng ta vẫn thường nghe nói đến nhạc vàng, nhạc sến hay nhạc Bolero. Nhìn chung, đó đều là những ca khúc trầm buồn, sâu lắng và dễ đi vào lòng người. Vậy sự khác nhau giữa 3 thể loại nhạc này là gì? Hãy cùng 24hTin tìm hiểu về khái niệm và phân biệt sự khác nhau giữa nhạc vàng, nhạc Bolero và nhạc sến là gì.
Khái niệm về nhạc vàng
Nhạc vàng là dòng nhạc được ra đời trong khoảng thập niên 1960 với các ca khúc được sáng tác có giai điệu trầm buồn, đều đều (Rumba, Bolero, Chachacha,…), mang âm hưởng dân ca, nói lên tâm trạng, nỗi niềm và thường để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe. Nhạc vàng được ca bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm. Đặc trưng của dòng nhạc này là lời ca giản dị, câu từ khá dễ nghe, chất chứa nỗi niềm của một bộ phận trong xã hội, chủ yếu là những người nghèo và tầng lớp bình dân.
Màu vàng thể hiện cho sự sang trọng. Khái niệm nhạc vàng ý muốn nói ca từ của dòng nhạc này gần gũi, dễ hiểu nhưng cũng không kém phần sang trọng, lãng mạn. Thực ra thì khái niệm nhạc vàng đã xuất hiện từ thời tiền chiến. Và theo quan điểm của những người Cộng sản thời đó thì nhạc vàng dùng để chỉ các bài hát tiền chiến và do thuộc vùng Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát nên nội dung thường nhuốm màu bi lụy, yếu đuối hay mang tâm lý chiến đấu. Chính vì vậy nên đôi khi khái niệm nhạc vàng vẫn thường được dùng cho các bài nhạc tiền chiến, bản “tình khúc 1954-1975” chậm buồn hay các bài hát mang đậm chất dân gian. Tuy nhiên, do không hoàn toàn giống về giai điệu nên những ca khúc thể loại này vẫn không phải là nhạc vàng.
Nhạc vàng đã từng có thời gian bị cấm khi xã hội đổi mới sau thống nhất. Ở thời điểm này, phần lớn các băng catset hay những tài liệu liên quan đến dòng nhạc này đều bị hủy. Tuy nhiên, do nhu cầu về giải trí và thưởng thức dòng nhạc này trên thực tế của người dân khá nhiều nên không thể cấm được lâu. Cho đến nay, mặc dù nhạc vàng không bị cấm hoàn toàn nhưng vẫn còn kiểm soát, một số bài không còn được phép sử dụng như trước.
Các nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này có thể kể đến như: Trúc Phương, Vinh Sử, Hoài Linh, Minh Kỳ, Duy Khánh, Lam Phương,….; Các ca sĩ hát nhạc vàng tiêu biểu có thể kể tên như: Chế Linh, Duy Khánh, Hương Lan, Giao Linh, Thanh Tuyền, Phương Hồng Quế,….; Một số bài hát nhạc vàng quen thuộc như: Không bao giờ quên anh, Mưa rừng, Nếu chúng mình cách trở, Nỗi buồn hoa phượng,….
Nhạc vàng thường trầm buồn và chất chứa nỗi niềm
Khái niệm về nhạc Bolero
Nhạc Bolero thực chất là một giai điệu của dòng nhạc vàng. Hiện nay, điệu Bolero được chia ra thành nhiều loại nhỏ như: Bolero căn bản, Bolero đảo phách, Bolero rumba,…. Hầu hết các ca khúc theo thể loại Bolero của Việt Nam đều mang đậm chất dân ca, giai điệu du dương, dễ nhớ, dễ thuộc, chủ đề đơn giản và mang tính triết lý sâu sắc.
Nhạc Bolero được đánh giá là có sức sống lâu bền với thời gian bởi có ca từ, nhạc điệu dễ tạo cảm xúc cho người nghe. Cũng có những quan điểm cho rằng các ca khúc Bolero thường mang những tâm sự có thật nên tạo cho người nghe một cảm giác đồng điệu trong tâm hồn hay tìm được hình bóng của chính mình trong bài hát.
Bài hát nhạc Bolero do ca sĩ Vương Bảo Tuấn trình bày
Khái niệm về nhạc sến
Nhạc sến ra đời từ thập niên 1960. Dòng nhạc này được xuất phát từ cụm từ “Marri Sến” dùng để chỉ những người giúp việc hay con sen từ ngoài miền Bắc di cư vào và khá phổ biến ở Sài Gòn trong những năm thập niên 60 của thế kỷ trước. Nhạc sến thường được sử dụng nhiều ở khu vực miền Nam dùng để phân biệt với nhạc vàng, thường phối nhạc phương Tây sang trọng hơn. Nội dung của dòng nhạc này cũng gần tương tự như nhạc vàng, song ca từ rất dễ nhớ, giai điệu bằng phẳng, nhẹ nhàng dễ hát dễ học, thường hay nói đến sự chia ly, cô đơn. Tuy nhiên, nội dung của dòng nhạc sến thì không nói về đồng quê, sự nghèo khó hay kể một câu chuyện.
Sự khác nhau giữa nhạc vàng, nhạc bolero, nhạc sến là gì?
Như đã nói ở trên, Bolero là một điệu của dòng nhạc vàng. Việc phân chia các bài hát theo thể loại nhạc vàng (nhạc Bolero) hay nhạc sến chủ yếu dựa vào giai điệu, nội dung của ca từ và có thể là cả lối hát. Tuy nhiên, một trong những điểm khác biệt chủ yếu của nhạc vàng và nhạc sến đó chính là điệu Slow Rock của nhạc vàng. Điệu Slow đều đều, chậm buồn, mang phong cách thính phòng và thường được hát bằng giọng Bắc chuẩn. Còn với dòng nhạc sến thường mang âm hưởng dân ca, có thể hát bằng giọng Bắc, giọng Bắc pha và sau này thường được hát nhiều bằng giọng Nam, thậm chí là giọng địa phương (chủ yếu là dân ca Nam bộ), phù hợp hơn với tầng lớp bình dân trong xã hội.
Trên đây là các khái niệm về nhạc vàng, nhạc Bolero, nhạc sến và điểm khác nhau giữa chúng mà 24hTin muốn chia sẻ để giúp bạn đọc có thể hình dung và phân biệt rõ ràng hơn về 3 thể loại nhạc phổ biến ở trên. Xin cảm ơn các bạn đã tham khảo bài viết!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.