Ung thư máu là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới. Theo thống kê, hàng năm thế giới có khoảng 300,000 người bị ung thư máu và 220,000 người trong số đó chết vì căn bệnh này. Vậy bệnh ung thư máu có chữa khỏi được hay không? Cách chữa bệnh và phương pháp điều trị ung thư máu như thế nào cho có hiệu quả? Phòng chống và ngăn ngừa để tránh mắc ung thư máu bằng những biện pháp nào?
Bệnh ung thư máu có chữa khỏi được hay không?
Cũng giống như hầu hết các dạng ung thư khác, việc bệnh ung thư máu có thể chữa khỏi được hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ của căn bệnh, tuổi tác và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân.
– Mức độ căn bệnh: Thông thường, các dạng ung thư máu nói chung có thể chia thành 4 giai đoạn chính được đánh số từ 1 đến 4. Ở giai đoạn 1 và 2, căn bệnh chưa phát triển mạnh, các tế bào chưa lây lan hoặc chỉ lây lan ở một hoặc hai cơ quan với mức độ thấp, nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh và khả năng hồi phục là tương đối cao. Ở giai đoạn 3 và 4, lúc này căn bệnh đã phát triển mạnh mẽ, nếu người bệnh được phát hiện ở giai đoạn này thì sẽ rất khó điều trị, tỷ lệ sống sót là không cao.
– Độ tuổi: Thông thường, trẻ em từ 3 – 7 tuổi khi được phát hiện bị mắc ung thư máu sẽ có cơ hội chữa khỏi và hồi phục cao nhất. Bệnh nhân càng lớn tuổi, tiên lượng càng kém, khả năng chữa khỏi bệnh càng thấp. Người trưởng thành chỉ có 40% cơ hội chữa khỏi bệnh và tỷ lệ này còn phụ thuộc khá nhiều vào giai đoạn bệnh. Ở người già, tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều.
– Tình trạng sức khoẻ bệnh nhân: Với các bệnh nhân khoẻ mạnh, hệ miễn dịch còn hoạt động tốt, khả năng thích nghi với các phương pháp chữa bệnh sẽ cao hơn từ đó tỷ lệ sống sót và khả năng hồi phục cũng tăng lên. Còn với những bệnh nhân có sức khoẻ yếu, cơ thể không thể thích nghi hoặc thậm chí không thể tiếp nhận được các phương pháp trị liệu thì tỷ lệ chữa khỏi và hồi phục sau khi chữa là rất thấp.
Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư máu chủ yếu gồm có: xạ trị, hoá trị liệu, liệu pháp sinh học và ghép tuỷ. Trong đó, ghép tuỷ là phương pháp phổ biến nhất để điều trị bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, nếu đã phải sử dụng đến các phương pháp này thì kết quả thu được cũng rất thấp (khoảng 10%) và nếu thành công thì tỉ lệ tái phát vẫn khá cao.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư máu
Để điều trị bệnh ung thư máu đạt được hiệu quả tốt, trước tiên cần phải xác định được một số yếu tố liên quan đến căn bệnh và bệnh nhân. Cụ thể như:
– Dạng bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu, lymphoma, đa u tuỷ).
– Loại bệnh phân theo thời gian hình thành và phát triển (cấp tính, mãn tính).
– Tuổi tác của bệnh nhân.
– Tình trạng sức khoẻ, các triệu chứng biểu hiện của bệnh nhân.
– Vị trí tập trung và phân bố của các tế bào ung thư.
Từ những cơ sở ban đầu đó, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp hoặc sử dụng kết hợp các phương pháp với nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Một số cách điều trị bệnh ung thư máu khá phổ biến và mang lại hiệu quả bao gồm:
1 – Xạ trị: Sử dụng chùm tia X quang năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư máu.
2 – Hoá trị: Sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư.
3 – Điều trị sinh học: Truyền chất kháng thể đơn dòng vào cơ thể bệnh nhân để giết chết các tế bào ung thư hoặc cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, từ đó thúc đẩy hệ miễn dịch tự chiến đấu chống lại và tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh.
4 – Ghép tuỷ (cấy tế bào gốc tạo máu): Đây là phương pháp được áp dụng sau khi xạ trị hoặc hoá trị. Việc ghép tuỷ sẽ đưa vào cơ thể bệnh nhân những tế bào gốc tạo máu khoẻ mạnh để tạo ra tế bào máu mới thay thế những tế bào đã bị huỷ diệt trong quá trình điều trị trước đó.
Ghép tủy là một trong những phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến
5 – Điều trị đông y: Là phương pháp thường được sử dụng để cải thiện tình trạng bệnh, giảm đau đớn và kéo dài sự sống cho bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối.
Cũng tương tự như các dạng ung thư khác, việc bệnh ung thư máu có chữa khỏi được không phụ thuộc khá nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh và thể trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Nếu bệnh được phát hiện từ rất sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh hoặc thời gian bệnh nhân sống trên 5 năm là khá cao. Còn nếu bệnh đã ở vào giai đoạn cuối, các phương pháp chữa bệnh đã gần như mất tác dụng thì việc điều trị thường sẽ tập trung cải thiện tình trạng sức khoẻ, giảm đau và kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Cơ hội để chữa khỏi bệnh hoàn toàn hầu như là không còn nữa.
Một số tác dụng phụ của các phương pháp điều trị
– Khi điều trị bởi các phương pháp xạ trị, hoá trị, các tế bào máu khoẻ mạnh có thể bị tiêu diệt “nhầm”. Điều này dẫn tới việc bệnh nhân chịu một số tác dụng phụ như: tăng khả năng nhiễm khuẩn, thâm tím hay chảy máu dễ dàng, cơ thể yếu ớt, mệt mỏi, chán ăn, sút cân, rụng tóc,….
– Hoá trị có thể gây ra vô sinh (làm hỏng hoặc biến đổi tinh trùng ở nam giới, hỏng buồng trứng, kém rụng trứng thậm chí diệt trứng ở nữ giới).
– Việc cấy ghép tuỷ hay tế bào gốc có thể tạo ra một số phản ứng chống lại ở người bệnh dẫn đến đào thải các tế bào ghép hoặc ảnh hưởng đến gan, thận, da, đường tiêu hoá,….
Cách phòng chống, ngăn ngừa bệnh ung thư máu
Do hiện nay các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư máu nên vẫn chưa có biện pháp phòng chống, ngăn ngừa căn bệnh này một cách cụ thể. Do đó, chúng ta chỉ có thể hạn chế tiếp xúc với các tác nhân làm tăng tỉ lệ mắc phải ung thư máu cũng như thực hiện những biện pháp phòng chống các căn bệnh ung thư nói chung. Cụ thể như:
– Hạn chế tiếp xúc với các chất, các tia phóng xạ: Những người thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ như nhân viên nhà máy năng lượng hạt nhân, bệnh nhân tiếp nhận xạ trị,….cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình bảo hộ khi làm việc. Đồng thời, những người này cũng cần phải thường xuyên đi kiểm tra máu và toàn bộ cơ thể để phát hiện các căn bệnh ung thư nói chung càng sớm càng tốt.
– Hạn chế tiếp xúc với hoá chất độchại: Không nên tiếp xúc với các loại hoá chất độc hại có khả năng làm tăng tỉ lệ mắc phải ung thư như thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,….Nếu bất đắc dĩ phải làm việc trong môi trường có những chất này thì cần tuân thủ quy trình bảo hộ lao động và cũng cần có kế hoạch đi khám định kỳ.
– Không hút thuốc lá: Như đã biết, trong thuốc lá có khoảng 70 chất gây ra ung thư một cách trực tiếp (hút thuốc) hoặc gián tiếp (ngửi khói thuốc). Do đó, cần định hướng cho bản thân và khuyên bảo những người xung quanh không hút thuốc là một trong những phương pháp đơn giản, hiệu quả để phòng chống bệnh ung thư máu nói riêng và các loại bệnh ung thư nói chung.
Thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh ung thư máu
– Có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý: Chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh và khoa học sẽ giúp giảm thiểu không chỉ nguy cơ mắc bệnh ung thư máu mà còn cả các căn bệnh nguy hiểm khác. Cụ thể hơn, thực đơn ăn uống giúp phòng chống bệnh ung thư máu gồm có: giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và các loại rau củ. Giảm tiêu thụ các loại chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá.
– Tập thể dục đều đặn: Việc tập thể dục đều đặn đã được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) chứng minh là làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh ung thư, trong đó có ung thư máu. ACS cũng đưa ra một chế độ tập luyện khoa học. Cụ thể là: nên tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Việc tập thể thao ở đây bao gồm chạy bộ, bơi, tập thể lực,….
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ung thư máu (phương pháp điều trị, cách phòng chống, ngăn ngừa,…) mà 24hTin muốn chia sẻ đến bạn đọc. Như vậy để trả lời cho câu hỏi ung thư máu có chữa khỏi được không thì sẽ còn phải phụ thuộc vào một số yếu tố như đã phân tích ở trên. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm, khó chữa trị nên việc chủ động tìm hiểu các thông tin và có cách phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để giữ gìn sức khỏe, bảo vệ cho bản thân.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.