Ở Việt Nam, các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất có thể kể đến: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Hiểu rõ về đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định góp vốn hay thành lập công ty. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về ưu, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay.
Công ty cổ phần (CTCP)
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia đều thành những phần bằng nhau, người góp vốn gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Loại hình doanh nghiệp này được lựa chọn thành lập nhiều nhất trong những năm gần đây vì có nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư.
Ưu điểm:
– Cổ đông ít rủi ro vì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
– Khả năng huy động vốn cao.
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân hay tổ chức khác.
– Được phát hành trái phiếu, cổ phiếu.
Nhược điểm:
– Việc quản lý sẽ rất phức tạp trong trường hợp công ty có quá nhiều cổ đông.
– Có ít sự tin tưởng của đối tác vì cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp.
– Do bị ràng buộc về chế độ tài chính và kế toán nên việc thành lập công ty cổ phần phức tạp hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Cty TNHH MTV)
Là loại hình doanh nghiệp chỉ do một cá nhân góp vốn và làm chủ sử hữu, chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi vốn điều lệ.
Ưu điểm:
– Cá nhân làm chủ sở hữu có quyền quyết định toàn bộ hoạt động của công ty.
– Có thể sang nhượng cho cá nhân hay tổ chức khác.
Nhược điểm:
– Không được phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
– Không thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ. Nếu muốn thay đổi vốn điều lệ thì phải làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác.
Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên (Cty TNHH)
Là loại hình doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là cá nhân hay tổ chức cùng góp vốn và làm chủ sở hữu, chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi số vốn góp.
Ưu điểm:
– Các thành viên ít chịu rủi ro vì chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp.
– Thành viên có quyền tự do sang nhượng vốn cho cá nhân, tổ chức khác.
– Khả năng huy động vốn cao.
Nhược điểm:
– Không thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
– Có ít sự tin tưởng của đối tác vì các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp.
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp có ít nhất 02 thành viên là cá nhân cùng tham gia góp vốn và làm chủ công ty. Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty hợp danh còn có thêm thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn không có quyền tham gia biểu quyết, điều hành công ty và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.
Ưu điểm:
– Dễ nhận được sự tin tưởng của đối tác vì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ tài chính của công ty.
– Dễ dàng huy động vốn.
Nhược điểm:
– Thành viên hợp danh chịu rủi ro cao.
– Không được phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
Là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình.
Ưu điểm:
– Dễ nhận được sự tin tưởng của đối tác vì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ tài chính.
– Do một cá nhân làm chủ nên việc quản lý và điều hành doanh nghiệp dễ dàng.
Nhược điểm:
– Khó khăn trong việc huy động vốn, không thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu.
– Rủi ro cao cho chủ doanh nghiệp.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.