Một trong số những điều kiện để cá nhân hay tổ chức có thể thành lập công ty là vốn. Vốn thành lập doanh nghiệp cũng bao gồm khá nhiều loại, chẳng hạn như: vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn ký quỹ và vốn nước ngoài (đối với doanh nghiệp có đầu tư từ nước ngoài). Trong đó, vấn đề cần bao nhiêu vốn pháp định để thành lập công ty TNHH (công ty trách nhiệm hữu hạn) là điều được nhiều startup quan tâm nhất vì đây là loại hình doanh nghiệp phổ biến, ít chịu rủi ro.
Vốn pháp định để thành lập công ty TNHH là bao nhiêu?
Có thể hiểu vốn pháp định là số vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần phải có để đăng ký thành lập hoặc chuyển đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh. Số vốn pháp định bao nhiêu là do Nhà nước quy định, không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà chỉ phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh. Tức là trong trường hợp thành lập công ty TNHH, nếu không thuộc vào các ngành nghề quy định thì sẽ không cần phải có vốn pháp định. Các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh: hàng không, bảo hiểm, tài chính, kế toán,…yêu cầu cần phải có vốn pháp định với mức vốn dao động từ 100 triệu đến vài nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như:
– Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: 2 tỷ đồng.
– Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng.
– Kinh doanh cảng hàng không: 100 tỷ đồng (hàng không nội địa) và 200 tỷ đồng (hàng không quốc tế).
– Trường đại học tư thục: 500 tỷ đồng.
– Bán hàng đa cấp: 10 tỷ đồng.
– Hoạt động thông tin tín dụng: 30 tỷ đồng.
– Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác yêu cầu cần phải đáp ứng tối thiểu mức vốn pháp định. Vì thế, trước khi thành lập công ty TNHH hay bất cứ loại hình công ty nào, chủ sở hữu cần phải tìm hiểu rõ để không phải gặp khó khăn trong vấn đề hoàn tất thủ tục.
Điều kiện để thành lập công ty TNHH
Bên cạnh việc chú ý đến vấn đề vốn pháp định khi thành lập công ty TNHH thì chủ doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý đến các điều kiện khác như:
Người thành lập doanh nghiệp
Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập công ty TNHH, trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật Doanh nghiệp số 68/2014-QH13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014. Cụ thể bao gồm:
– Người chưa thành niên; Người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án;
– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước để thành lập công ty TNHH nhằm thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Lựa chọn ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp có quyền đầu tư, kinh doanh ở tất cả lĩnh vực và ngành nghề, ngoại từ các ngành nghề được quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư 2014. Cụ thể như sau:
– Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; Mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;
– Kinh doanh mại dâm;
– Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
– Các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
– Các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;
Đặt tên cho công ty
Tên công ty bao gồm hai thành tố là: loại hình doanh nghiệp + tên riêng. Trong đó:
– Loại hình doanh nghiệp: Loại hình doanh nghiệp có thể được viết đầy đủ hoặc viết tắt. Trường hợp này, loại hình doanh nghiệp sẽ được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”.
– Tên riêng gồm có: Các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt; Các chữ F, Z, J, W; Các chữ số.
Bên cạnh đó, khi đặt tên cho công ty cần phải tránh:
– Đặt tên được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của công ty đã đăng ký;
– Sử dụng tên cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
– Đặt tên tiếng Việt được đọc, viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài giống như tên của một doanh nghiệp đã đăng ký;
– Đặt tên riêng chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự, các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt hoặc một trong các ký hiệu “&”; “.”; “,”; “+”; “-“;
– Đặt tên theo cách chỉ đặt khác với doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký trước đó bởi chữ “tân” ở phía trước; chữ “mới” ở phía trước hoặc phía sau; chữ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Đông”, “miền Tây” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự. Chỉ có thể đặt trùng tên nếu doanh nghiệp đó là con của công ty đã đăng ký.
Trụ sở công ty
Điều 43, Luật doanh nghiệp 2014 quy định trụ sở công ty phải:
– Nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
– Có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Hi vọng rằng qua những chia sẻ trên đây của đội ngũ biên tập viên 24hTin, các bạn đã biết có cần vốn pháp định để thành lập công ty TNHH hay không và những lưu ý khi thành lập công ty TNHH là gì. Từ đó, không mắc phải những sai sót trong quá trình thành lập doanh nghiệp.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.