Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam phát triển khá mạnh nên các doanh nghiệp cổ phần cũng được thành lập ngày càng nhiều. Có thể nhiều bạn đọc cũng đã từng nghe nói đến hình thức công ty cổ phần. Trong bài này, 24hTin sẽ giúp bạn tìm hiểu một cách tổng quát về khái niệm, đặc điểm cũng như tính chất của loại hình doanh nghiệp cổ phần hóa.
Khái niệm chung về công ty cổ phần
Công ty cổ phần (CP) là một dạng tổ chức có tư cách pháp lý độc lập được pháp luật thừa nhận và có quyền tham gia vào các hoạt động pháp lý như chính trị, kinh tế, xã hội,….Công ty cổ phần có trách nhiệm hữu hạn (công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn cam kết), thành lập và tồn tại độc lập với chủ sở hữu. Vốn của công ty sẽ được chia thành các phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần và được phát hành nhằm huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư. Những cá nhân hoặc tổ chức nắm quyền sở hữu cổ phần hợp pháp được gọi là cổ đông. Cổ đông được quyền bầu cử và ứng cử vào các vị trí trong công ty để từ đó tham gia quản lý, kiểm soát và điều hành công ty. Bên cạnh đó, cổ đông được hưởng các khoản lợi nhuận do công ty tạo ra cũng như chịu lỗ tương ứng với mức vốn góp vào.
Định nghĩa theo pháp luật
Theo Điều 110, Luật Doanh nghiệp ban hành vào ngày 26 tháng 11 năm 2014 thì công ty cổ phần là doanh nghiệp mà trong đó số vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức, số lượng cổ đông tối thiểu là 3, không hạn chế số lượng cổ đông tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào; Cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác một cách tự do, trừ một số trường hợp đặc biệt có ghi trong điều lệ của công ty và trong cổ phần tương ứng.
Cổ phần hoá doanh nghiệp là gì?
Cổ phần hoá doanh nghiệp hay cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước có thể hiểu là quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần hoá ở nước ta. Quá trình này bắt đầu diễn ra từ năm 1990 và hoàn thành cơ bản vào năm 2010.
Tại sao phải cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước?
Trong giai đoạn trước, thực trạng các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ nặng xảy ra khá phổ biến dẫn tới mức đền bù thua lỗ mà Nhà nước phải chịu là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ nước ta đã quyết định là sẽ không bán đứt doanh nghiệp Nhà nước cho các tư nhân. Điều này dẫn đến việc một giải pháp dung hoà được đề ra là các doanh nghiệp này sẽ chuyển sang cổ phần hoá. Tài sản doanh nghiệp được phân chia thành nhiều phần (cổ phần) rồi bán cho các cán bộ công nhân viên chức trong công ty. Phần còn lại sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 0% đến 100% số cổ phần của doanh nghiệp. Điều này vừa giúp Nhà nước giảm bớt chi phí đền bù lỗ, vừa huy động được nguồn vốn từ người dân đồng thời gia tăng ý thức lao động bởi lúc này các nhân viên trong doanh nghiệp sẽ làm việc cho chính họ vì lợi nhuận sẽ sinh ra ứng với số vốn họ đã bỏ vào.
Đặc điểm và tính chất của mô hình công ty CP là gì?
Về cơ bản, công ty cổ phần là một trong 5 loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Do đó, nó sẽ mang những đặc điểm chung của một doanh nghiệp thông thường. Bên cạnh đó, công ty cổ phần còn có một số đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt với các loại hình công ty khác. Cụ thể:
Về vốn điều lệ của công ty
– Vốn điều lệ của công ty cổ phần phải là số vốn góp thực. Tức là bằng với tổng giá trị số vốn mà những người sáng lập công ty góp vào.
– Công ty cổ phần là một hình thức công ty đối vốn, tức là vốn điều lệ của công ty sẽ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của mỗi cổ phần được gọi là mệnh giá của cổ phần và được biểu thị, đặc trưng bằng cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu có thể đại diện cho một hoặc nhiều cổ phần.
– Những người muốn góp vốn vào công ty sẽ thực hiện việc góp vốn bằng cách mua cổ phần.
Về thành viên của công ty
– Những người sở hữu ít nhất một cổ phần đã phát hành của công ty sẽ là thành viên của công ty đó và được gọi là cổ đông. Công ty cổ phần phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập còn số lượng cổ đông tối đa là không giới hạn.
– Cổ đông có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức và phải thoả mãn một số điều Luật doanh nghiệp.
Về tư cách pháp nhân của công ty
– Công ty CP có tư cách pháp nhân kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Tư cách pháp nhân của công ty cổ phần được xác định qua 4 yếu tố: có hình thái xác định, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, nhân danh chính bản thân công ty.
Về chế độ chịu trách nhiệm
– Chế độ chịu trách nhiệm của công ty: Công ty cổ phần chịu trách nhiệm về các khoản nợ bằng toàn bộ số tài sản của công ty.
– Chế độ chịu trách nhiệm của các cổ đông: Các cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản với công ty đúng bằng số vốn đã góp.
Về huy động vốn
Công ty cổ phần có thể huy động vốn theo nhiều cách hơn so với các tổ chức kinh tế nói chung và các loại hình công ty khác nói riêng. Cụ thể là các hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần cho cổ đông, phát hành chứng khoán và trái phiếu.
Về chuyển nhượng vốn góp
Cổ phiếu là một loại hàng hoá, giấy tờ có giá. Do đó người có cổ phiếu có quyền tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Trên đây là một số thông tin về khái niệm cũng như đặc điểm của công ty cổ phần mà 24hTin muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn sẽ bổ sung thêm những thông tin cần thiết liên quan đến công ty cổ phần ở Việt Nam. Tìm hiểu thêm các bài viết kiến thức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh khác Tại Đây. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.