Từ lúc chào đời cho đến 1 tuổi, cơ thể bé vẫn còn non nớt, chỉ mới bắt đầu tập quen với môi trường xung quanh. Giai đoạn này giúp tạo tiền đề cho sự phát triển của trẻ về sau nên rất quan trọng. Vì thế, tăng sức đề kháng cho con nhỏ vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thêm với các bậc phụ huynh những bí quyết giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ dưới 1 tuổi hiệu quả nhất hiện nay được các chuyên gia y tế khuyến cáo.
Tầm quan trọng của sức đề kháng đối với trẻ sơ sinh
Sức đề kháng có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển thể chất, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Sức đề kháng đóng vai trò như một hàng rào, lá chắn chống lại tác nhân xâm nhập vào cơ thể, gây ảnh hưởng tới sự phát triển mỗi ngày của trẻ. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ chưa hoàn thiện hệ miễn dịch, khi bị tấn công, hàng rào này sẽ dễ mất đi khả năng phòng vệ, khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, những vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
Cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
Trong quá trình chăm sóc con nhỏ, hầu hết mẹ nào cũng nhận thấy vai trò quan trọng của việc tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi chưa hoàn thiện nên rất dễ bị ốm. Nếu có sức đề kháng tốt, con yêu của mẹ sẽ tránh được rất nhiều bệnh tật. Dưới đây là một số cách mà phụ huynh có thể áp dụng để giúp các bé có được sức đề kháng tốt, khỏe mạnh:
Cho trẻ bú sữa mẹ
72 giờ đầu sau sinh, trẻ được uống sữa non từ mẹ sẽ có đề kháng tốt hơn hơn với dị ứng và bệnh tật. Sau khoảng 1 tuần, cơ thể mẹ không tiết sữa non nữa. Dòng sữa sau này được gọi là sữa già hoặc sữa mẹ. Sữa mẹ có đầy đủ dinh dưỡng, kháng thể giúp hoàn thiện hệ thống miễn dịch và tăng sức đề kháng cho bé dưới 1 tuổi. Các chuyên gia khẳng định, sữa mẹ là thực phẩm duy nhất bé cần trong 6 tháng đầu đời để làm tiền đề tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trẻ nên được bú sữa mẹ đến 2 năm đầu, nếu không có đủ điều kiện thì tối thiểu cũng phải là 3 tháng, sau đó kết hợp sữa mẹ và sữa ngoài.
Chăm trẻ đúng cách
Chăm con đúng cũng là một cách tăng sức đề kháng cho bé sơ sinh mà mẹ cần quan tâm.Giai đoạn đầu, mẹ sẽ khó tránh khỏi những lúng túng trong cách chăm con bởi đây là thời gian “làm quen” với bé. Hãy luôn vệ sinh sạch sẽ cho bé, tạo không gian thoải mái giúp con phát triển tự nhiên và khỏe mạnh.
Bữa ăn dặm đầy đủ các chất
Bữa ăn dặm là nguồn dinh dưỡng bổ sung cho trẻ từ 6 tháng. Trong bữa ăn nên có đủ chất béo, đường, đạm, vitamin và khoáng chất. Chọn đúng thực phẩm tăng sức đề kháng cho bé 6 tháng tuổi giúp bé bổ sung các chất còn thiếu khi sữa mẹ cung cấp không đủ ở giai đoạn này. Lượng thức ăn, bữa ăn nên tăng dần theo số tuổi và thể trạng của trẻ. Hệ tiêu hóa non nớt đôi khi làm trẻ bị táo bón, hấp thu kém, các mẹ hãy chọn những loại thực phẩm dễ tiêu, thay đổi linh động mỗi bữa.
Bổ sung nước cho trẻ
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung thêm nước. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn đang được cho uống sữa công thức, thỉnh thoảng bạn nên cho bé uống thêm một ít nước bởi sữa công thức thường có chứa nhiều muối hơn, nước sẽ giúp cho việc bài tiết trở nên dễ dàng. Ngoài ra, do quá trình trao đổi chất của các bé uống sữa công thức sẽ diễn ra chậm hơn nên thường bé sẽ có nhu cầu bổ sung nước nhiều hơn so với các bé bú mẹ. Nếu bé bị táo bón, sốt hoặc thời tiết quá nóng, bạn có thể cho bé uống vài thìa nhỏ nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, tránh cho bé uống quá nhiều và hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn thay đổi lượng nước uống cần cung cấp cho bé mỗi ngày.
Tham khảo thêm: Trẻ mấy tháng tuổi uống được nước ép hoa quả?
Bổ sung vitamin cho trẻ
Sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng nhưng chưa đủ cung cấp lượng vitamin mỗi ngày cho trẻ. Trong thời gian cho con bú, mẹ nên bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất để tăng dinh dưỡng nguồn sữa. Dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa chưa đủ hoàn chỉnh để hấp thụ hết các chất cho cơ thể. Bổ sung vitamin từ bên ngoài cũng là cách tăng sức đề kháng cho trẻ hiệu quả.
Bổ sung vitamin đúng cách giúp hạn chế nguy cơ bệnh tật và tăng sức đề kháng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Một số vitamin cần được bổ sung ngay từ những tháng đầu như: tiêm vitamin K, uống vitamin D3. Từ tháng thứ 6 trở về sau, mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung các vitamin tổng hợp cho con. Cơ thể đầy đủ vitamin, các bé sẽ không bị mắc những bệnh liên quan đến thiếu hụt vitamin như: còi xương, suy dinh dưỡng, bệnh về mắt, da,….
Cho trẻ ngủ đủ giấc, đảm bảo một giấc ngủ ngon
Ngủ đủ giấc là cách tốt nhất giúp trẻ sơ sinh lớn nhanh hơn, phát triển trí não tốt hơn. Trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian mới chào đời thường ngủ liên tục thậm chí có trẻ ngủ 20 giờ/ ngày, bé chỉ thức dậy khi có nhu cầu ăn hay cần thay tã. Khi được 6 – 8 tuần tuổi, hầu hết trẻ bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm, mặc dù vẫn thức dậy để bú sữa buổi tối nhưng sẽ nhanh chóng quay lại giấc ngủ. Thời điểm này, giấc ngủ của trẻ dần chuyển sang trạng thái ngủ sâu nhiều hơn trước. Tùy theo từng độ tuổi mà trẻ có thời gian ngủ mỗi ngày là khác nhau. Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Dưới đây là số giờ ngủ đủ cho một trẻ sơ sinh để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của bé:
– Trẻ từ 1 – 4 tuần: Khoảng 15 – 18 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ thường kéo dài từ 2 – 4 giờ. Ở giai đoạn này, do trẻ chưa hình thành đồng hồ sinh học riêng nên giấc ngủ thường không theo chu kỳ ngày đêm. Đây chính là giai đoạn mà trẻ cần được ngủ nhiều nhất.
– Trẻ từ 1 – 4 tháng: Cần ngủ từ 14 – 15 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ được từ 6 tuần tuổi trở đi, trẻ thường ngủ ít đi một chút. Tuy nhiên, thời gian ngủ lại dài hơn và kéo dài từ 4 – 6 tiếng, thường có xu hướng ngủ nhiều hơn vào buổi tối.
– Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: Ở giai đoạn này, lý tưởng nhất là trẻ ngủ được 15 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, trẻ dưới 11 tháng tuổi thường chỉ ngủ được khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để tập cho trẻ hình thành một thói quen ngủ lành mạnh vì lúc này trẻ đã bắt đầu hòa nhập nhiều với xã hội và chu kỳ ngủ cũng bắt đầu với giống người lớn.
– Trẻ dưới 6 tháng thường ngủ khoảng 3 lần vào ban ngày và giảm xuống còn 2 lần khi trẻ được 6 tháng tuổi. Buổi sáng, trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 9 giờ và kéo tới khoảng 10 giờ. Buổi trưa, bắt đầu từ khoảng giữa trưa tới khoảng 2 giờ chiều và ngủ kéo dài khoảng 1 hoặc 2 tiếng. Buổi chiều, trẻ có thể bắt đầu ngủ từ khoảng 3 – 5 giờ. Khi được 6 tháng tuổi (ở một số trẻ có thể sớm hơn), thể chất của trẻ đã phát triển và có khả năng ngủ được qua đêm.
Nên tập cho trẻ có thói quen đi ngủ sớm và đúng vào giờ đã định, nhằm tạo cho trẻ có một phản xạ nghỉ ngơi, giúp trẻ ngủ dễ dàng trong bất kỳ điều kiện nào. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu các kích thích của ngoại cảnh cũng như nội tại lên hệ thần kinh của trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh những tiếng ồn và ánh sáng vì chúng làm giấc ngủ trẻ không sâu, dễ thức giấc. Cho trẻ vui chơi, vận động cơ thể nhẹ nhàng đầy đủ cũng góp phần giúp giúp bé ngủ sâu hơn. Thông thường, khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự động thức dậy, mà không cần phải gọi. Ngủ đủ giấc và đúng giờ cùng một giấc ngủ sâu và chất lượng giúp thể chất và trí tuệ của trẻ phát triển một cách tốt nhất.
Để trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh
Tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh giúp trẻ thích nghi dần với điều kiện bên ngoài, là tiền đề tạo ra kháng thể tự nhiên. Nhờ thế, bé khó bị “sụt sịt” khi thời tiết thay đổi cũng như những tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trẻ nên được tiếp xúc với môi trường càng sớm càng tốt. Bố mẹ hãy cho con làm quen với nắng sau tuần đầu, kích hoạt da sinh vitamin D3, giúp phát triển xương chắc khỏe. Tiếp xúc với gió ở mức độ vừa đủ sẽ giúp bé quen dần với gió trời, bé không còn dễ bị ốm mỗi khi ra ngoài như những bé thường xuyên ở trong nhà.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé
Chắc chắn việc giữ vệ sinh sạch sẽ có tác dụng trong việc ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn và vi rút gây bệnh từ bên ngoài. Việc mẹ cần làm là vệ sinh sạch sẽ cho bé sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn. Vệ sinh sạch sẽ cũng giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động hiệu quả, từ đó hệ miễn dịch cũng khỏe mạnh hơn.
Tiêm đủ các mũi tiêm phòng cần thiết cho bé trước 1 tuổi
Tiêm phòng là phương pháp bảo vệ chủ động tối ưu nhất cho trẻ. Từ lúc sinh ra đến 1 tuổi là giai đoạn bé cần tiêm nhiều mũi vaccine nhất. Mỗi bé thường có 20 mũi vaccine cần thiết phải tiêm. Các bậc phụ huynh cần tư vấn từ bác sĩ để chọn lịch tiêm chủng phù hợp nhất cho con. Tuân thủ đúng lịch tiêm chủng sẽ giúp đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh cao nhất.
Mẹ nên bổ sung gì để tăng cường sức đề kháng cho bé?
Bên cạnh việc chăm để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể bé thì người mẹ cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bản thân nhiều hơn vì trong thời gian cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ ưu tiên sử dụng chất dinh dưỡng để sản xuất sữa cho bé trước khi chuyển hóa thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể mình. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho mẹ đang nuôi con bú là vô cùng quan trọng để giúp bé tăng trưởng tốt và mẹ luôn khỏe mạnh. Dưới đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng của mẹ:
– Người mẹ cần tránh xa thuốc lá và rượu bia vì nếu uống rượu bia, các chất này sẽ đi vào cơ thể bé thông qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí lực và thể lực của bé.
– Cẩn trọng với một số loại thuốc, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ vì một số loại thuốc có thể đi vào sữa.
– Không nên ăn kiêng khắt khe trong thời gian cho bé bú với mục đích giảm cân vì việc này có thể dẫn đến phóng thích những chất có hại được chứa trong chất béo cơ thể vào sữa mẹ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bé.
– Mùi vị của sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào các loại thực phẩm người mẹ ăn hằng ngày. Vì vậy, người mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm để chuẩn bị cho bé quen với các loại mùi đồ ăn trước khi bắt đầu thời kỳ ăn dặm.
– Mẹ nên cố gắng cho bé bú đúng cách, bổ sung dinh dưỡng, tránh lo lắng, stress,…để đảm bảo nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho con yêu.
Một số lưu ý cho trẻ khi thời tiết giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm bé dễ mắc phải nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm họng, cảm sốt, viêm mũi dị ứng, ho khan,….Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh cho các bé mà mẹ nên biết:
– Vào thời điểm giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh về tai mũi họng. Bố mẹ nên ủ ấm cơ thể cho bé, nhất là phần ngực và tay chân, hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi không cần thiết.
– Tuyệt đối không để nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá 38,5 độ. Khi bé sốt cao, hãy kịp thời hạ sốt, lấy khăn mặt mát đắp lên trán để làm dịu cơ thể và cho trẻ mặc đồ rộng, thoáng.
– Để trẻ nằm phòng mát mẻ, đủ ánh sáng, duy trì độ ẩm phù hợp giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
– Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho con mặc quần áo phù hợp với thời tiết khi ra ngoài.
Sức đề kháng vốn được xem là hàng rào bảo vệ trẻ trước mọi tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn xâm nhập. Trẻ dưới 1 tuổi là giai đoạn cơ thể non nớt đang dần thích nghi với môi trường xung quanh. Chính vì vậy, tăng sức đề kháng cho bé dưới 1 tuổi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng tường thành miễn dịch vững chắc giúp trẻ khỏe mạnh, lớn khôn. Hi vọng sau bài viết này, các phụ huynh sẽ có thêm kinh nghiệm để chăm con khỏe mạnh. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.