Tôn giáo là nơi mà con người tìm đến để đặt niềm tin cho cuộc sống. Có những người mặc dù không theo tôn giáo nào nhưng vẫn tin vào một tín ngưỡng nào đó. Là châu lục có dân số chiếm hơn 60% tổng dân số thế giới nên các tôn giáo ở châu Á rất đa dạng và phong phú. Bốn tôn giáo lớn trên thế giới là: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo cũng tập trung chủ yếu ở đây. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về đặc điểm các tôn giáo lớn ở châu Á trong bài viết.
Ấn Độ giáo
Ấn Độ giáo là tôn giáo được hình thành đầu tiên trên thế giới ở vùng lưu vực sông Ấn. Hiện nay có hơn 900 triệu người theo Ấn Độ giáo, chủ yếu tập trung ở Ấn Độ và rải rác tại một số khu vực khác của châu Á. Tôn giáo này thờ ba vị thần: Brahma, Vishnu và Shiva.
– Lịch sử hình thành: Ấn Độ giáo là tôn giáo duy nhất không do bất kì ai sáng lập mà được hình thành từ các thể chế và văn minh Ấn Độ xưa.
– Quan điểm tôn giáo: Ấn Độ giáo tin vào sự luân hồi và nghiệp báo. Theo họ, mọi chuyện khổ đau mà kiếp này con người phải chịu đựng là do nghiệp của kiếp trước. Thần Brahma là vị thần có 4 đầu và 6 tay, nhìn thấy tất cả những hành động tốt – xấu của con người và cai quản việc luân hồi chuyển kiếp. Kế tiếp là thần Vishnu có 6 tay, mang nhiệm vụ bảo hộ, duy trì và nuôi dưỡng sự sáng tạo của thần Brahma. Cuối cùng, thần Shiva có 4 tay và 1 mắt ở giữa trán, có thể hủy diệt và nhìn thấu nội tâm của con người. Ấn Độ giáo theo quan điểm phân chia con người thành 5 giai cấp từ quyền lực đến hèn hạ, ai ở giai cấp nào thì phải ở suốt đời trong giai cấp ấy.
Phật giáo
Phật giáo cũng được hình thành tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN. Số lượng tín đồ Phật giáo vô cùng đông đảo với khoảng 365 triệu tín đồ chính thức (đã quy y Tam Bảo) và hơn 1.2 tỉ tín đồ không chính thức (chưa quy y Tam Bảo). Phật giáo tập trung chủ yếu ở châu Á và phân bố rải rác trên khắp thế giới. Tôn giáo này thờ Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát và các vị Phật khác.
– Lịch sử hình thành: Theo các ghi chép trong kinh sách, Siddhartha – hoàng tử của thành quốc Kapilavastu (thuộc Ấn Độ ngày nay) vốn là người đã mất lòng tin về những lời cầu nguyện và cách sống cứng nhắc của Ấn Độ giáo xưa. Ngài quyết định rời bỏ hoàng cung và đi tìm những nhà hiền triết, tập tu theo lối tu khổ hạnh để tìm ra chân lý của sự sống nhưng đều không có kết quả. Sau cùng, ngài ngồi thiền dưới một gốc cây bồ đề suốt 49 ngày và ngộ thành đạo Phật, bắt đầu con đường truyền đạo. Sau này ngài được gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
– Quan điểm tôn giáo: Phật giáo cũng tin vào sự luân hồi và nghiệp báo, hướng con người đến sự giác ngộ giải thoát. Nhưng Phật giáo đề ra khẩu hiệu “chúng sinh bình đẳng” – đối lập với quan điểm phân chia giai cấp của Ấn Độ giáo.
Ki-tô giáo
Ki-tô giáo ra đời vào đầu Công nguyên và là tôn giáo lớn nhất với hơn 2,3 tỉ tín đồ phân bố khắp nơi trên thế giới. Biểu tượng và đức tin của Ki-tô giáo là Chúa Giê-su. Đế quốc La Mã được xem là đế chế của tôn giáo này.
– Lịch sử hình thành: Ki-tô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo ở Trung Đông. Vì một số lý do, Giê-su đã bị tổng trấn Pontius Pilate kết án tử hình trên thập tự. Một số người Do Thái cho rằng Giê-su đã chết, trong khi một số khác lại khẳng định ngài là Chúa giáng trần và đã hồi sinh trở lại. Từ đó hình thành nên Ki-tô giáo.
– Quan điểm tôn giáo: Ki-tô giáo theo quan điểm Chúa Ba Ngôi, có nghĩa là Thiên Chúa là duy nhất, tồn tại trong cả ba ngôi vị là: Đức Chúa Cha (Đấng tạo hóa), Đức Chúa Con (Đấng chuộc tội) và Đức Chúa Thánh Thần (Đấng thánh hóa). Chúa Giê-su đến trần gian để giải phóng và cứu rỗi loài người. Con người được xem là con Chúa, là tôi tớ và là kẻ được cứu rỗi nên phải sống và noi gương theo Chúa. Con người có thể rửa sạch mọi tội lỗi thông qua nghi lễ rửa tội của Ki-tô giáo.
Hồi giáo
Hồi giáo ra đời vào thế kỷ thứ VII ở bán đảo Ả Rập. Đây là tôn giáo có tín đồ nhiều thứ hai trên thế giới hiện nay với hơn 1.57 tỉ người. Tôn giáo này tập trung chủ yếu ở vùng Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi và một số khu vực khác. Người Hồi giáo thờ Thiên chúa Allah Đấng tối cao.
– Lịch sử hình thành: Tương truyền rằng, năm 610 Muhammad đến một hang núi nhỏ ở Xira để tu luyện. Một đêm nọ, thánh Allah đã cử thiên sứ đến truyền đạt Thần dụ và khải thị chân lý của kinh Coran cho ông. Sau đó, ông bắt đầu truyền đạo và được xem là thiên sứ cuối cùng nhận mặc khải của thượng đế truyền bá đạo Hồi lại cho con người.
– Quan điểm tôn giáo: Tôn giáo này cũng là một tôn giáo độc thần. Nhưng theo họ, Allah là Đấng tối cao và là Thiên Chúa duy nhất, Giê-su chỉ là thiên sứ chứ không phải Chúa. Hồi giáo cũng quy định các chuẩn mực đạo đức cho con người như: hiếu thảo với cha mẹ, bố thí, cấm ngoại tình, bảo vệ trẻ mồ côi,….
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.