Bạn đang muốn biết: nước nào giàu nhất thế giới hiện nay? Có khá nhiều những tiêu chí khác nhau để xác định, so sánh sự giàu mạnh giữa các quốc gia. Mỗi tiêu chí có thể sẽ làm tăng vị thế của quốc gia này đồng thời làm giảm vị thế của quốc gia khác. Và để đảm bảo tính chính xác, hợp lý nhất, chúng tôi sẽ so sánh và đánh giá các quốc gia giàu nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại thông qua tiêu chí: tổng sản phẩm quốc nội được quy đổi theo sức mua tương đương chia cho bình quân đầu người.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): Là tổng giá trị của tất cả hàng hóa, dịch vụ được tạo ra bên trong một quốc gia theo khoảng thời gian nhất định, ở đây quy ước là một năm.
Sức mua tương đương (PPP): Là tỷ giá hối đoái giữa hai đơn vị tiền tệ khác nhau. Trong bài này, chúng tôi sẽ sử dụng tỷ số sức mua tương đương giữa đơn vị tiền tệ của quốc gia đang xét đến và đồng đôla quốc tế.
Đôla quốc tế: Là một đơn vị giả định thường được sử dụng trong các báo cáo tài chính của các tổ chức quốc tế lớn. 1 đôla quốc tế tương đương 1 đôla Mỹ ở thời điểm đang xét.
Như vậy tiêu chí trên có thể được hiểu là: lấy tổng giá trị của tất cả hàng hóa, dịch vụ được tạo ra trong phạm vi một quốc gia với thời gian là một năm quy đổi thành đôla quốc tế theo sức mua tương đương rồi chia cho tổng dân số của quốc gia đó ở thời điểm xét đến. Tiêu chí này phản ánh khá chính xác mức sống bình quân của người dân ở các quốc gia đang được xét đến.
Danh sách các nước giàu có nhất thế giới sẽ sử dụng số liệu do Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra vào tháng 4 năm 2018 để phân tích và so sánh.
10. San Marino – 61,169 đôla quốc tế/người/năm
San Marino, tên chính thức là Cộng hòa San Marino, là một trong những quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới với diện tích chỉ vỏn vẹn 61 kilomet vuông (km2) cùng dân số 33.562 người. Tuy nhiên đây lại là quốc gia xếp thứ 10 về độ giàu có. San Marino có một nền kinh tế ổn định cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, không có nợ quốc gia và có thặng dư ngân sách chính phủ (số tiền thu vào cao hơn số tiền phải chi ra). Nền kinh tế của quốc gia này tập trung chủ yếu vào du lịch, ngân hàng, điện tử và đồ gốm. Đặc biệt, San Marino hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có nhiều xe hơn người (1.263 phương tiện/1.000 người).
9. Hoa Kỳ – 62,152 đôla quốc tế/người/năm
Được công nhận là một trong những cường quốc hàng đầu, Hoa Kỳ hiện đang có một nền kinh tế vững mạnh, ổn định và vô cùng phát triển. Mặc dù chỉ chiếm 4,3% tổng dân số thế giới, Hoa Kỳ lại đang là nơi tập trung 33,4% của cải toàn cầu. Cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu vào dịch vụ, khoa học – công nghệ tuy nhiên đây lại là quốc gia sản xuất và xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới với các mặt hàng chủ đạo bao gồm: sản phẩm công nghệ cao, nhiên liệu, năng lượng và các sản phẩm tri thức (bằng sáng chế công nghệ. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 1% cơ cấu GDP nhưng với khí hậu ôn hòa, những vùng đất đai rộng lớn, kỹ thuật hiện đại, Hoa Kỳ lại đang kiểm soát gần một nửa lượng xuất khẩu ngũ cốc của thế giới.
8. Thụy Sĩ – 63,379 đôla quốc tế/người/năm
Liên bang Thụy Sĩ là quốc gia đứng thứ 8 trong danh sách những nước giàu nhất thế giới hiện nay. Là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới, Thụy Sĩ thường xuyên xếp gần hoặc nằm trong tốp đầu trên thế giới về các chỉ số tự do dân sự, mức độ minh bạch của chính phủ, chất lượng cuộc sống, khả năng cạnh tranh kinh tế và sự phát triển về con người. Lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của quốc gia này là sản xuất với các mặt hàng chủ chốt bao gồm hóa chất chuyên dụng, dược phẩm, dụng cụ đo lường, nhạc cụ. Dịch vụ cũng là một ngành công nghiệp quan trọng khác của Thụy Sĩ với 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu là sản phẩm dịch vụ.
7. Kuwait – 66,673 đôla quốc tế/người/năm
Nhà nước Kuwait là một quốc gia khá nhỏ bé nằm ở Tây Á. Nền kinh tế của quốc gia này phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ với trữ lượng lên đến 104 tỷ thùng, chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu thô trên toàn thế giới. Dầu mỏ chiếm tới một nửa GDP hàng năm và 90% thu nhập của chính phủ.
6. Na Uy – 74,065 đôla quốc tế/người/năm
Vương quốc Na Uy là một trong những quốc gia phát triển và hạnh phúc nhất trên thế giới. Đất nước này hiện đang có đứng hàng đầu toàn cầu về chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc (World ‘s Happiness), chỉ số cuộc sống tốt hơn (Better Life Index). Sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, hiện Na Uy đang là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 5 và khí đốt lớn thứ 3 trên thế giới. Doanh thu từ hai loại mặt hàng này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 20% GDP. Bên cạnh đó, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, chế biến thực phẩm, đóng tàu, hóa chất,… cũng là những ngành kinh tế chính của quốc gai.
5. Brunei – 79,726 đôla quốc tế/người/năm
Nhà nước Brunei Darussalam là một quốc gia nhỏ bé nằm ở Đông Nam Á. Đây là nước phát triển thứ hai ở Đông Nam Á (chỉ sau Singapore) và cũng được xếp vào nhóm các “quốc gia phát triển”. Có diện tích và dân số khá ít ỏi, Brunei lại sở hữu một nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Với việc xuất khẩu khoảng 167.000 thùng dầu và 25 triệu mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng mỗi ngày, quốc gia này hiện đang là nước xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới. Sản lượng dầu thô và khí thiên nhiên cũng chiếm tới 90% cơ cấu GDP hàng năm.
4. Ireland – 79,924 đôla quốc tế/người/năm
Cộng hòa Ireland hiện xếp thứ 4 trong danh sách những đất nước giàu nhất trên thế giới. Từng là một quốc gia bị suy thoái trầm trọng, Ireland phát triển nhanh chóng nhờ hàng loạt chính sách kinh tế tự do, đặc biệt là chính sách “thuế thấp”. Những cải cách này đưa Ireland từ một quốc gia với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp sang nền kinh tế trí thức tập trung với các dịch vụ công nghệ cao, khoa học đời sống và các ngành công nghiệp dịch vụ tài chính. Ngoài ra, Ireland còn tập trung vào các ngành kinh tế sản xuất hóa chất, dược phẩm, phần cứng, phần mềm máy tính, thực phẩm, thiết bị y tế,…
3. Singapore – 98,014 đôla quốc tế/người/năm
Cộng hòa Singapore là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á có mặt trong danh sách. Mặc dù có diện tích nhỏ bé, quốc gia này lại là một trong những trung tâm thương mại, tài chính và vận tải toàn cầu. Singapore hiện đang được đánh giá là trung tâm thương mại, cảng container bận rộn thứ 2, trung tâm tài chính và thị trường ngoại hối lớn thứ 3 trên thế giới. Hiện nay, Singapore là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp nằm ở mức thấp nhất trong các nước phát triển với tỷ lệ thất nghiệp chỉ vỏn vẹn 1,8% vào năm 2015.
2. Luxembourg – 110,870 đôla quốc tế/người/năm
Đại công quốc Luxembourg hiện là đại công quốc duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Quốc gia nhỏ bé ở Tây Âu này nằm lọt giữa Bỉ, Đức và Pháp với diện tích chỉ khoảng 2.586,4 km2 và dân số ước tính khoảng 600 ngàn người. Hiện nay, Luxembourg đang được xem là quốc gia giàu thứ 2 trên thế giới theo GDP bình quân đầu người. Cơ cấu GDP của đất nước này chủ yếu phụ thuộc vào các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng, chiếm với hơn 86% cơ cấu GDP (trong đó ngành tài chính chiếm 36%). Công nghiệp chiếm khoảng 13,3% GDP với chủ đạo là sản xuất và xuất khẩu sắt thép (chiếm 1,8% GDP). Nông nghiệp ở quốc gia này chỉ chiếm 0,3%, chủ yếu dựa trên các trang trại nhỏ do hộ gia đình sở hữu.
1. Qatar – 128,702 đôla quốc tế/người/năm
Nhà nước Qatar – quốc gia nhỏ bé nằm trên bán đảo Qatar ở Tây Á hiện đang là đất nước giàu nhất trên thế giới theo thu nhập bình quân đầu người. Tăng trưởng kinh tế của đất nước này phụ thuộc chủ yếu vào trữ lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Hiện nay, không có bất kỳ ai trong số 2 triệu người dân ở Qatar sống dưới mức nghèo khổ, tỷ lệ thất nghiệp chưa đầy 1% và quốc gia này cũng không có thuế thu nhập. Hiện nay, cơ cấu GDP của Qatar vẫn phụ thuộc vào việc sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt cùng một số sản phẩm khác như phân bón, xi măng, thép, sửa chữa tàu,….
Cũng theo bảng danh sách trên thì đất nước Việt Nam chúng ta hiện đang xếp ở vị trí thứ 128 với 7,426 đôla quốc tế/người/năm. Như vậy, nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội chia cho bình quân đầu người thì hiện nay Qatar là nước giàu nhất thế giới với thu nhập 128,702 đôla quốc tế/người/năm. Xin cảm ơn các bạn tham khảo bài viết!
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.