Hầu hết mọi người đều chỉ quan tâm đến ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí vì các yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, ít ai nhận thấy rằng đất cũng là một môi trường cực kỳ quan trọng đối với con người vì là nơi để trồng trọt, chứa đựng các tài nguyên quý giá đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật. Thực tế, môi trường đất ở Việt Nam và trên khắp thế giới đang ngày càng trở nên ô nhiễm vì rất nhiều lý do khác nhau. Vậy thế nào là ô nhiễm đất và những nguyên nhân chủ yếu làm ô nhiễm môi trường đất là gì?
Thế nào là ô nhiễm môi trường đất?
Môi trường đất bị ô nhiễm là khi xuất hiện các tác nhân xấu, khiến đặc tính của đất bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và những loài sinh vật sống trong đất, kể cả sức khỏe con người. Đất bị ô nhiễm có thể là do những tác nhân như:
– Tác nhân hóa học: Gồm các kim loại nặng, xenobiotic, hydrocacbon dầu, hydrocacbon thơm nhiều vòng, dung môi,….
– Tác nhân sinh học: Các vi sinh vật có hại, ký sinh trùng,….
– Tác nhân vật lý: Nhiệt độ và chất phóng xạ.
Những nguyên nhân chủ yếu làm ô nhiễm môi trường đất
Tương tự như nước hay không khí, môi trường đất đang ngày càng bị ô nhiễm do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do hoạt động của con người và những yếu tố tự nhiên.
Đất bị ô nhiễm do hoạt động của con người
– Hoạt động sản xuất công nghiệp: Trong quá trình sản xuất công nghiệp, con người xả ra môi trường đất một lượng lớn kim loại, than, chì, hóa chất có hại,…mà không có biện pháp xử lý. Trong đó: khai thác quặng, dệt, luyện kim, sản xuất giấy,…là những ngành công nghiệp khiến môi trường đất bị ô nhiễm nặng nề nhất. Chất thải công nghiệp có khả năng tồn tại rất lâu trong đất hơn nữa còn có thể kết hợp với những thành phần khác, sinh ra nhiều hợp chất có hại.
– Hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi: Những loại phân bón và thuốc hóa học dùng trong nông nghiệp chỉ được cây trồng hấp thụ một nửa, số còn lại ngấm vào đất hoặc nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm trên diện rộng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng khiến đất bị ô nhiễm khi lượng chất thải từ động vật không được xử lý đúng cách.
– Hoạt động sinh hoạt: Than, tro từ nấu nướng và rác thải sinh hoạt cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất. Các loại rác thải không được phân loại để xử lý mà chôn lấp ở hố chôn tập trung có độ ẩm cao và bao gồm rất nhiều thành phần. Theo thời gian, chúng không những không phân hủy mà còn thẩm thấu vào trong lòng đất, bốc mùi hôi, dẫn đến ô nhiễm đất, nước ngầm và cả không khí xung quanh.
Ô nhiễm đất do tác động tự nhiên
– Nhiễm phèn, nhiễm mặn: Nhiễm phèn từ nước sông do ngập lụt hay nhiễm mặn từ nước biển do triều cường là nguyên nhân tự nhiên khiến đất bị ô nhiễm. Trong nước phèn có chứa các thành phần Fe2+, Al3+, SO42- và nước mặn chứa Na+, K+, Cl-. Chúng là những thành phần gây ngộ độc cho thực vật và các loài sinh vật sống trong đất.
– Gley hóa trong đất: Gley hóa là một quá trình khử vi sinh vật, phân hủy xác chết sinh vật,…diễn ra tự nhiên trong môi trường đất. Kết quả của quá trình này sinh ra những chất độc sinh thái như: CH4, CO2, N2O, FeS,….
– Ảnh hưởng từ ô nhiễm các môi trường khác: Cuối cùng, môi trường nước hoặc không khí bị ô nhiễm cũng là một nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường đất. Khi không khí bị ô nhiễm bởi các loại khí như: SO2, HF, NOx,…sẽ làm xuất hiện mưa axit, khiến đất bị chua. Ngoài ra, nguồn nước bị ô nhiễm chảy đi khắp nơi sẽ làm các tác nhân xấu thấm vào trong đất, dẫn đến ô nhiễm trên diện rộng.
Trên đây là các nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường đất mà đội ngũ biên tập viên 24hTin muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng qua bài viết này, các bạn sẽ biết được tại sao tình trạng đất lại bị biến đổi theo chiều hướng xấu và từ đó có những hành động tích cực, góp phần làm giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường đất.
Tham khảo thêm: Các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.