Mỗi dân tộc đều có một bộ trang phục đặc trưng riêng của mình. Nếu như người Việt Nam tự hào với chiếc áo dài tôn lên nét đẹp của đường cong cơ thể, phụ nữ Trung Quốc trở nên mảnh mai hơn với sườn xám thì phụ nữ Nhật Bản lại dịu dàng e ấp trong trang phục kimono của họ. Mỗi chiếc áo kimono đều mang một ý nghĩa khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem ý nghĩa của trang phục kimono trong văn hóa Nhật Bản là gì?
Kimono là gì và chúng được mặc khi nào?
Kimono được xem là trang phục truyền thống và là quốc phục của Nhật Bản. Theo tiếng Nhật Bản, kimono là từ để chỉ chung tất cả các loại quần áo. Tuy nhiên sau khi trải qua những thăng trầm, biến cố trong lịch sử và nhiều lần thay đổi hình dạng, màu sắc, kimono trở thành cái tên quen thuộc và nổi tiếng trên toàn thế giới khi nói về trang phục của người Nhật.
Việc mặc kimono như thế nào có sự phân chia rõ ràng theo tuổi tác, tầng lớp xã hội thậm chí là theo mùa. Hiện nay kimono thường được mặc trong các dịp đặc biệt, được sử dụng thường xuyên bởi những người trong độ tuổi trung niên hoặc các đồ vật sumo chuyên nghiệp bắt buộc phải mặc khi xuất hiện trước công chúng.
Cấu tạo trang phục kimono
Thông thường, một bộ kimono đơn giản sẽ bao gồm nhiều bộ phận khác nhau như: Eri (cổ áo), Fuki (gấu áo), Sode (tay áo), Doura (lớp lót trên).
Ngoài ra, kimono còn được mặc kèm với một số phụ kiện như: Nagajuban: Áo lót dạng kimono được mặc bên trong lớp áo chính. Kimono thường được làm từ lụa mỏng rất khó làm sạch vì thế còn có lớp áo Nagajuban bên trong để tránh áo tiếp xúc với da người dẫn đến bị bẩn; Haori: Áo khoác kimono dài ngang hông hoặc đùi; Kanzashi: Đồ trang trí tóc cho phụ nữ; Obi: Thắt lưng đeo với kimono; Tabi: Vớ cao; Zori: Dép truyền thống cho cả nam lẫn nữ và một số loại phụ kiện khác dành riêng cho một số ngành nghề nhất định.
Ý nghĩa của trang phục kimono
Loại trang phục này có quá trình hình thành và phát triển từ rất sớm. Trải qua nhiều quá trình biến đổi đột biến, kimono trở thành biểu tượng của Nhật Bản. Mỗi bộ kimono truyền thống được xem như một tác phẩm nghệ thuật hết sức tuyệt vời. Mặc dù không còn được mặc phổ biến như xưa nhưng người Nhật vẫn có những quy cách truyền thống khi mặc kimono, đặc biệt là nữ giới. Việc chọn lựa được một bộ kimono phù hợp đòi hỏi nhiều yếu tố: Biểu tượng, kiểu dáng, kích thước trang phục, phản ánh tuổi tác, tình trạng hôn nhân của người phụ nữ cũng như mức độ quan trọng của buổi lễ. Cụ thể:
– FuriT: FuriT hay còn gọi là Furisode là bộ kimono dành cho các cô gái chưa kết hôn mặc trong lễ trưởng thành hay người thân của cô dâu là nữ chưa lập gia đình.
– Homongi: Được mặc bởi những người phụ nữ chưa kết hôn hoặc đã kết hôn. Thông thường bạn bè của cô dâu sẽ mặc trong đám cưới hay trong các bữa tiệc chính thức.
– Iromuji: Được mặc bởi cả phụ nữ đã kết hôn hoặc chưa kết hôn trong các nghi lễ trà.
– Mofuka: Là trang phục tang chính thức cho cả nam và nữ.
– Tomesode: Là trang phục được mặc bởi những phụ nữ đã có chồng trong tiệc cưới của người thân.
– Kurotemesode: Thường được mặc bởi mẹ cô dâu và chú rể.
– Tsukesage: Thường được mặc bởi những phụ nữ đã có chồng trong các bữa tiệc (không phải nghi lễ)
– Uchikake: Là trang phục thể hiện tính sang trọng, được mặc bởi cô dâu hoặc tại các buổi biểu diễn trên sân khấu.
– Shiromaku: Là bộ kimono màu trắng được cô dâu mặc trong lễ cưới. Trang phục này thường đi kèm với băng vải trắng Tsunokakushi choàng đầu.
– Yukata: Là loại kimono không chính thức, thường được mặc trong các dịp lễ hội vào mùa hè bởi cả nam và nữ với mọi độ tuổi. Loại trang phục này đơn giản nên được mặc ở nhà vào hầu hết các thời điểm trong năm.
– Junihitoe: Là trang phục cực phức tạp và trang trọng thường được những người phụ nữ quý tộc trong triều đình mặc. Ngày nay, Junihitoe thường chỉ thấy trong phim ảnh, tại các bảo tàng, địa điểm du lịch hay trong một số lễ hội. Trang phục này cũng được hoàng gia Nhật Bản sử dụng trong một số dịp trang trọng.
Bên cạnh đó, người Nhật còn lựa chọn trang phục dựa theo mùa: Màu nhạt như xanh sáng cho mùa xuân, màu tím nhạt hay xanh đen cho mùa hè, màu vàng đậm cho mùa thu và màu đen hay đỏ cho mùa đông.
Trên đây là một số thông tin về đặc điểm cấu tạo cũng như ý nghĩa trang phục kimono mà 24hTin chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã hiểu rõ hơn về trang phục truyền thống – biểu tượng của đất nước Nhật Bản.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.