Sức đề kháng quyết định đến khả năng ốm vặt và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ. Dù ốm nhẹ hay ốm nặng đều ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Tăng sức đề kháng cho trẻ là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Dưới đây là những cách tăng sức đề kháng cho bé hay ốm vặt bố mẹ cần lưu ý nhằm cải thiện hệ miễn dịch cho con. Hi vọng sẽ cung cấp thêm cho bạn những bí quyết để chăm sóc con tốt hơn.
Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng là khả năng cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,…khi chúng tấn công vào cơ thể. Người có sức đề kháng tốt ít khi mắc phải các bệnh vặt do thay đổi thời tiết, môi trường sống,….
Đối với trẻ em, do hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện, cơ thể vốn đã non nớt, nếu sức đề kháng cũng kém thì trẻ sẽ thường xuyên bị ốm, sự hấp thu các dưỡng chất từ nguồn thức ăn hằng ngày cũng hạn chế hơn. Đặc biệt rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và đường ruột, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé. Vì lẽ đó, tăng sức đề kháng cho trẻ là một việc làm cấp thiết mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng nên quan tâm để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bé phát triển, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Một trong những cách tăng sức đề kháng cho trẻ hay ốm vặt hiệu quả chính là thay đổi chế độ dinh dưỡng hằng ngày phù hợp. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần cẩn trọng hơn trong mọi quá trình chăm sóc, giúp bé có sức đề kháng khỏe mạnh, phát triển toàn diện cả trí não, thể chất và tinh thần.
Cách tăng sức đề kháng cho trẻ hay ốm vặt
Bổ sung cho trẻ các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng
► Thịt nạc
Thịt nạc chứa nhiều protein, đây là thành phần quan trọng giúp duy trì và tăng cường sức khỏe cho bé. Hơn nữa, chất kẽm trong thịt nạc còn có tác dụng hỗ trợ các tế bào bạch cầu của cơ thể, giúp chống nhiễm trùng hiệu quả. Thịt lợn, thịt bò, thịt gà,…đều là những thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch vô cùng hiệu quả, đây cũng là loại thực phẩm mà mẹ có thể “biến hóa” ra rất nhiều món ăn tăng sức đề kháng cho trẻ và dễ dàng lên thực đơn.
► Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm không chỉ đơn giản là một dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống các bệnh do virus gây ra như: cảm cúm, cảm lạnh, ho,….Vì thế, bố mẹ hãy bổ sung ngay những thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ có chứa nhiều kẽm như: tôm, cua, sò, ngao, cá thu, cá mòi, thịt bò, gan động vật, hạt bí đỏ,…Với các gợi ý thực phẩm giàu kẽm này, các bậc phụ huynh không còn quá lo lắng về việc ăn gì để tăng sức đề kháng cho trẻ.
► Rau màu xanh đậm
Các loại rau màu xanh đậm như: rau chân vịt, súp lơ xanh, rau dền, rau cải, rau ngót,…là thực phẩm giàu vitamin C, carotene, protein và các khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho, giúp bé phát triển toàn diện, đồng thời tăng cường khả năng phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh có thể nấu canh cho bé để dễ hấp thụ hơn.
► Các loại trái cây họ cam và rau củ giàu vitamin A, C
Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như: cam, quýt, bưởi,….Vitamin A có trong rau củ màu đỏ, màu vàng như: cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ, khoai tây,….Đây là những loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch. Mẹ có thể chế biến thành những món ăn hoặc nước ép để cung cấp dưỡng chất cho bé.
► Khoai lang
Thành phần chứa nhiều beta-carotene, vitamin C và vitamin E, khoai lang vừa giúp tăng cường miễn dịch, chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus gây ra, vừa có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Các bé ăn khoai lang giúp nhuận tràng, có thể tránh được bệnh táo bón. Từ khoai lang mẹ có thể chế biến được một số món ăn tăng cường sức đề kháng cho trẻ như: canh khoai lang, chè khoai lang, khoai lang nấu cháo thịt, khoai lang luộc,….
► Thực phẩm giàu Omega-3
Mẹ có thể bổ sung vào thực đơn của bé quả óc chó, cá biển, dầu cá giàu Omega-3,…để cung cấp dưỡng chất cho bé. Hệ miễn dịch tốt có thể ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, vi rút gây bệnh, giúp trẻ luôn khỏe mạnh, phát triển thể lực tốt.
► Sữa chua
Công dụng của sữa chua không còn xa lạ gì đối với sức đề kháng của cơ thể người. Đối với trẻ em, đây lại càng là món mà các mẹ không nên bỏ qua. Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi Probiotics, có tác dụng ức chế các vi khuẩn có hại, thiết lập và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cho bé hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bên cạnh đó, sữa chua giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm họng, nhiễm trùng tai. Mẹ có thể bổ sung sữa chua trộn cùng với trái cây để có thể hấp dẫn bé và đạt được hiệu quả dinh dưỡng tốt hơn.
► Các loại hạt chứa nhiều dinh dưỡng
Các loại hạt như: hướng dương, hạt bí ngô, hạt lanh,…chứa nhiều vitamin E, kẽm và acid béo Omega-3. Đây là những chất cần thiết để trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra, một số loại ngũ cốc và các loại hạt mẹ nên thêm vào thực đơn để giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như:
– Quả óc chó: Chứa nhiều Omega-3, giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại ốm đau và giảm một số bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp.
– Yến mạch: giàu beta-glucan, giúp tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch trong cơ thể, chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh từ môi trường.
– Hạnh nhân: chứa nhiều vitamin, manga, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch.
► Mật ong
Là thực phẩm có tác dụng khử trùng, kháng khuẩn, chống nấm vô cùng hiệu quả. Bố mẹ có thể dùng một thìa cà phê mật ong pha với nước ấm để chữa đau họng cho trẻ hoặc cho uống hàng ngày sau mỗi bữa ăn.
Một số lưu ý để tăng sức đề kháng cho trẻ tốt nhất
Sức đề kháng có vai trò rất quan trọng liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho bé, bố mẹ nên lưu ý những điều sau để trẻ có một hệ miễn dịch tốt nhất:
– Nuôi bé hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, nếu mẹ đủ sữa thì có thể tiếp tục cung cấp tới khi bé được 18 – 24 tháng.
– Hạn chế để trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ và các đồ ăn ngọt, bánh kẹo, nước ngọt,….Bởi những thức ăn có hàm lượng đường và chất béo cao sẽ làm suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể bé khỏi các virus, vi khuẩn.
– Thường xuyên cho trẻ vận động như: đi bộ, bơi hay tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi và tình trạng cơ thể.
– Tiêm chủng cho bé đầy đủ, đúng lịch.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ đang bị ốm hoặc người lớn bị bệnh.
– Cho trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ. Tùy theo độ tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ ngủ một giấc sâu từ 8 – 11 tiếng.
– Khi trẻ bị ốm, bố mẹ không nên lạm dụng thuốc kháng sinh hay cho trẻ uống nhiều loại thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe cùng lúc mà không có sự tư vấn, kê đơn của bác sỹ.
Sức đề kháng có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể. Trên đây là tổng hợp các bí quyết giúp tăng sức đề kháng cho bé mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bậc phụ huynh sẽ cố gắng dành nhiều nhất thời gian có thể cho con để có thể nhận thấy mọi thay đổi về tình trạng sức khỏe, đảm bảo những chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp bé có sức đề kháng và hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.