Đèn tín hiệu với 3 màu xanh, đỏ, vàng là một trong những công trình đường bộ (theo cách định nghĩa của luật Giao thông đường bộ 2008) được sử dụng rất phổ biến ở nước ta để hỗ trợ điều khiển và quản lý quá trình lưu thông của các phương tiện. Tuy nhiên do khu vực phân bố quá rộng và thiếu sự giám sát chặt chẽ, lỗi vượt đèn đỏ hay còn gọi chung là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu lại đang là một trong những vi phạm giao thông phổ biến nhất. Vậy bạn có biết theo quy định của luật Giao thông Việt Nam thì lỗi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền hay không?
Quy định về đèn đỏ trong luật Giao thông đường bộ
Theo Khoản 1, Điều 10, luật Giao thông đường bộ 2008 ban hành vào ngày 13 tháng 11 năm 2008 có nêu rõ: Hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm tín hiệu đèn giao thông.
Theo Khoản 3, Điều 10, luật Giao thông đường bộ thì tín hiệu đèn giao thông có ba màu và được quy định như sau:
► Đèn xanh là được đi;
► Đèn đỏ là cấm đi;
► Đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi qua vạch dừng thì được quyền đi tiếp. Nếu đèn vàng nhấp nháy thì phương tiện được đi nhưng phải đi từ từ, chú ý quan sát hai bên và nhường đường cho người đi bộ băng qua đường.
Theo Khoản 1, Điều 11, luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Như vậy, hành vi vượt đèn đỏ là lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ, cụ thể là lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ và do đó sẽ bị xử lý theo hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Lỗi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Theo Nghị định 46/2016/NĐ – CP được ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt lỗi vượt đèn đỏ được xác định cụ thể như sau:
► Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 5, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 đồng – 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
► Theo Điểm c, Khoản 4, Điều 6, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng – 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
► Theo Điểm g, Khoản 4, Điều 7, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng – 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
► Theo Điểm h, Khoản 2, Điều 8, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy và các loại xe thô sơ khác sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng – 80.000 đồng đối với hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
► Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 9, người đi bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng – 60.000 đồng đối với hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
► Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 10, người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng – 60.000 đồng đối với hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Vượt đèn đỏ có bị tước giấy phép lái xe hay không?
Cũng theo Nghị định 46/2016/NĐ – CP, hành vi vượt đèn đỏ còn phải chịu thêm một số hình thức xử phạt bổ sung như sau:
► Theo Điểm b và Điểm c, Khoản 12, Điều 5, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng – 03 tháng nếu có hành vi vi phạm và từ 02 tháng – 04 tháng nếu có hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông.
► Theo Điểm b và Điểm c, Khoản 12, Điều 6, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng – 03 tháng nếu có hành vi vi phạm và từ 02 tháng – 04 tháng nếu có hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông.
► Theo Điểm a và Điểm b, Khoản 9, Điều 6, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng – 03 tháng khi có hành vi vi phạm và từ 02 tháng – 04 tháng khi có hành vi vi phạm mà gây ra tai nạn giao thông.
Những trường hợp nào thì được phép vượt đèn đỏ?
Theo quy định của pháp luật, một số trường hợp và loại xe cụ thể được phép vượt đèn đỏ khi cần thiết. Cụ thể theo Điều 22, luật Giao thông đường bộ 2008, các loại xe sau đây được phép đi vào các đường có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ:
– Xe chữa cháy đang đi làm nhiệm vụ;
– Xe quân sự, xe công an đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
– Đoàn xe có xe cảnh sát hộ tống dẫn đường;
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục các tình trạng khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh,…theo quy định của pháp luật.
– Đoàn xe tang.
Bên cạnh đó theo Điều 11, luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2012 thì có một số trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
– Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
– Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
– Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
– Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực chịu trách nhiệm hành chính;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Các hình thức xử phạt lỗi vượt đèn đỏ đều thuộc về xử phạt vi phạm hành chính và do đó cũng sẽ tuân theo các trường hợp trên. Tức là những trường hợp như: chở người bị tai nạn, hành vi phòng vệ chính đáng,…có thể vượt đèn đỏ mà không phải chịu các hình thức xử phạt.
Trên đây là một số thông tin mà 24hTin muốn chia sẻ về vấn đề lỗi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền theo quy định của Pháp luật hiện hành. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết, các bạn đã biết được một số kiến thức cần thiết liên quan đến luật giao thông đường bộ để không mắc phải những lỗi này.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.