Buôn bán người là một trong những vấn nạn đáng báo động trên thế giới hiện nay. Mặc dù các quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng chống và xử lý nhưng tội phạm buôn bán người vẫn ngày càng gia tăng. Hơn nữa, thủ đoạn của chúng cũng ngày càng tinh vi hơn. Chính vì lý do đó, hiện nay tội phạm mua bán người được Liên hợp quốc xếp vào nhóm các loại tội phạm nguy hiểm nhất trên thế giới. Vậy tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, hành vi mua bán người ở Việt Nam ngày càng gia tăng và phổ biến nhất là dưới hình thức xuất khẩu, cưỡng bức lao động. Đặc biệt giai đoạn từ năm 2016 – 2019, cả nước phát hiện gần 1.100 vụ mua bán người với hơn 1.400 đối tượng có liên quan và 2.600 nạn nhân. Vấn nạn buôn bán người xảy ra trên khắp 63 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở các khu vực biên giới. Đối tượng mà các tên tội phạm buôn bán người nhắm đến là thanh niên, phụ nữ và trẻ em. Trong đó, phụ nữ và trẻ em chiếm đến 90%. Đa số thanh niên bị đưa vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ ở Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc, Đài Loan,….Họ phải lao động trong điều kiện hết sức tồi tàn, thiếu thốn về ăn uống, không có chỗ nghỉ ngơi. Phụ nữ thường bị bán vào các nhà chứa, làm nô lệ tình dục, gả cho người nước ngoài, lấy nội tạng,….
Đau lòng hơn, nhiều trẻ em gái chỉ mới 5 tuổi còn bị ép phục vụ mại dâm hoặc các nhu cầu tình dục bệnh hoạn. Một số khác bị ép phải làm việc trong các xí nghiệp hoặc bán sang Anh, Ailen để trồng cần sa. Nhiều đối tượng còn tàn nhẫn đến mức lấy cả nội tạng của trẻ sơ sinh. Ước tính, chỉ có khoảng 50% số nạn nhân bị mua bán được giải cứu hoặc có thể trốn thoát trở về. Dù vậy, những tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần của nạn nhân sẽ vĩnh viễn không bao giờ được xóa sạch.
Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn mua bán người ở Việt Nam
Hiện nay, tội phạm mua bán người thường hoạt động bằng cách đội lốt dịch vụ xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân. Một số tay buôn khác giả vờ kết bạn, làm quen với các cô gái Việt rồi rủ rê đi du lịch. Thậm chí, nhiều kẻ còn ngang nhiên bắt cóc cả người lớn và trẻ em. Và lý do mà tội phạm buôn bán người có thể dễ dàng thực hiện được hành vi của mình là vì:
Ham vật chất
Vật chất là động lực duy nhất khiến những kẻ buôn người bất chấp cả đạo đức và pháp luật để thực hiện hành vi đồi bại của mình. Chỉ cần bán được một nạn nhân, bọn chúng sẽ kiếm được một khoản tiền rất lớn mà không cần phải lao động vất vả. Bên cạnh đó, đây cũng là lý do khiến nhiều người tự biến mình thành con mồi và rơi vào bẫy của tội phạm buôn người. Thậm chí, có những người là nạn nhân từng bị mua bán rồi trở thành kẻ buôn người vì những lợi ích vật chất trước mắt.
Thiếu hiểu biết
Bọn mua bán người thường nhắm đến các đối tượng ở vùng quê, miền núi. Ở những nơi này, điều kiện tiếp cận với thông tin còn hạn hẹp, người dân không có hiểu biết nhiều nên dễ dàng bị lừa gạt, dễ tin vào lời ngon ngọt của bọn tội phạm.
Nghèo đói, thất học và thất nghiệp
Nghèo đói là nguyên nhân dẫn đến thất học và thất nghiệp. Vì không có trình độ chuyên môn nên họ không thể tìm kiếm được một công việc tốt. Từ đó càng mong muốn được đổi đời, dễ tin vào những lời hứa hẹn của bọn đội lốt “môi giới xuất khẩu lao động”.
Thiếu sự quan tâm của gia đình
Đa số trẻ em bị bán sang nước ngoài đều lang thang, không có gia đình. Một số khác không nhận được sự quan tâm và giáo dục của bố mẹ, giao du với các đối tượng xấu và bị lừa gạt. Thậm chí, nhiều tội phạm buôn bán người còn lợi dụng lúc gia đình không để ý rồi ra tay bắt cóc trẻ con.
Trên đây là tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta hiện nay mà đội ngũ biên tập viên 24hTin muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã hiểu rõ hơn về tội phạm mua bán người. Từ đó, cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn này, không để mình và người thân trở thành con mồi của bọn tội phạm mua bán người.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.