Điều khiển ô tô, xe máy sau khi uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn ở nước ta. Do đó, luật pháp Việt Nam quy định việc tham gia giao thông khi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định sẽ bị xử phạt hành chính. Vậy bạn có biết nồng độ cồn tối đa cho phép khi tham gia giao thông là bao nhiêu hay không?
Nồng độ cồn tối đa cho phép tham gia giao thông là bao nhiêu?
Theo Điều 8, Luật giao thông đường bộ được ban hành vào ngày 13 tháng 11 năm 2008 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
► Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn.
► Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, nồng độ cồn tối đa cho phép đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy khi lưu thông trên đường là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Còn đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì chỉ cần trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn là đã vi phạm luật giao thông đường bộ.
Cách tính nồng độ cồn trong máu như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào cân nặng của cơ thể, thời gian uống, tốc độ uống, nồng độ cồn của bia, rượu và thể tích bia, rượu đã uống. Cụ thể như sau:
Bạn cần lưu ý:
– Sau 40 phút, nồng độ cồn sẽ tự giảm đi 10mg.
– Cùng một thời gian, những người có cơ thể càng khỏe mạnh sẽ giải phóng được nhiều lượng cồn trong máu hơn so với người bình thường.
– Cơ thể nữ giới ít nước và nhiều mô mỡ hơn nam giới nên nếu cùng một điều kiện, nồng độ cồn trong máu của người phụ nữ sẽ tăng nhanh hơn so với người đàn ông.
– Mỗi một lượt uống được tính bằng 1 đơn vị uống chuẩn, cụ thể hơn là 1 chén rượu 40 độ dung tích 30ml hoặc 1 ly rượu vang 13,5 độ dung tích 100ml hoặc 1 cốc bia hơi dung tích 330ml hoặc 2/3 chai hay lon bia 5 độ dung tích 330ml.
Những trường hợp cần kiểm tra nồng độ cồn trong máu
Theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT – BYT – BCA ban hành ngày 23 tháng 07 năm 2014 quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì những trường hợp sau đây sẽ cần tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong máu:
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn sẽ được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông sẽ được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông sẽ được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Trên đây là một số thông tin về nồng độ cồn tối đa cho phép khi tham gia giao thông theo quy định của Luật pháp Việt Nam. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết, bạn đã có thêm những kiến thức để từ đó cân nhắc, tránh điều khiển ô tô, xe máy sau khi đã uống rượu, bia hay sử dụng các loại nước có cồn khác.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.