Việt Nam là một trong những nước đón nhận nhiều bão nhất mỗi năm. Các cơn bão này thường gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Mặc dù vậy thì có thể nhiều bạn đọc vẫn chưa thực sự hiểu rõ về khái niệm bão là gì, nguyên nhân và sự hình thành của cơn bão như thế nào? Hãy cùng 24hTin tìm hiểu thông tin chi tiết về bão trong bài này.
Tìm hiểu về khái niệm bão là gì?
Bão là một loại hình thời tiết cực đoan có bản chất là sự nhiễu động của khí quyển. Thuật ngữ bão được dùng để chỉ các cơn bão, dông, tố, bão nhiệt đới, bão tuyết, bão cát,… Tuy nhiên ở Việt Nam, thuật ngữ bão lại thường được dùng để chỉ bão nhiệt đới (hiện tượng thời tiết thường có gió mạnh kèm theo mưa lớn và chỉ xuất hiện ở các vùng biển nhiệt đới trong đó có nước ta) do các hiện tượng còn lại khá hiếm gặp. Trong bài này, chúng ta cũng sẽ chỉ xét đến bão nhiệt đới vì đây là loại bão phổ biến thường gặp ở Việt Nam.
Trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy khổng lồ. Ở chiều cao từ 0 – 3 km, không khí chuyển động theo dạng trôn ốc, xoay ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu) hoặc thuận chiều kim đồng hồ (ở Nam Bán Cầu). Luồng không khí này hội tụ vào gần trung tâm của cơn bão (gọi là mắt bão). Ở đây, luồng không khí sẽ chuyển động thẳng đứng lên trên tạo thành một khu vực gọi là thành mắt bão và lại toả ra ngoài theo chiều ngược lại. Còn ở chính giữa cơn bão, không khí chuyển động đi xuống tạo thành một vùng trời quang và hầu như không có mây. Chính vì vậy nên ở những vùng đang bị ảnh hưởng bão, nhiều lúc chúng ta thấy trời quang mây tạnh, gió lặng bởi đó chính là thời điểm mà tâm bão đang đi qua.
Cấu trúc của bão nhiệt đới như thế nào?
Một cơn bão nhiệt đới gồm các thành phần chính như: mắt bão nằm chính giữa, thành mắt bão nằm sát và bao quanh mắt bão, dải mây mưa ở rìa bên ngoài.
1. Mắt bão
Mắt bão còn được gọi là tâm bão, thường có dạng hình tròn với đường kính từ 30 – 65 km. Đây là nơi có áp suất không khí rất thấp do đó không khí xung quanh sẽ bị hút về đây. Áp suất càng thấp thì tốc độ dòng khí bị hút vào càng nhanh và vận tốc gió cũng càng mạnh. Tuy nhiên, vận tốc gió mạnh như vậy sẽ khiến cho lực ly tâm rất lớn, dẫn tới việc không khí bên ngoài không thể lọt vào trong tâm bão. Khi đến gần tâm bão, không khí mang nhiều hơi nước sẽ bốc lên và hội tụ thành những đám mây tạo ra những cơn mưa lớn. Trong khi đó, ở khu vực tâm bão lại gần như không có gió cộng với việc dòng khí đi xuống khiến cho bầu trời trở nên quang mây, thậm chí còn có thể thấy được trăng và sao vào buổi tối.
2. Thành mắt bão
Thành mắt bão là vùng mây bao quanh rìa mắt bão. Vì là điểm cuối nơi các dòng không khí đổ về trước khi chuyển động thẳng lên cao nên đây là khu vực có gió mạnh nhất trong cơn bão. Ngoài ra, những luồng không khí này mang theo nhiều hơi nước nên ở đây mây nằm ở độ cao lớn nhất và độ ẩm cũng là nhiều nhất.
3. Dải mây mưa ở rìa ngoài
Các dải mây mưa ở rìa ngoài của cơn bão thường là một khu vực mây giông dày đặc rộng từ khoảng vài km đến vài chục km và dài khoảng 80 – 500 km. Chúng thường tổ chức thành hình xoắn cùng chiều xoắn với gió rồi di chuyển chậm dần vào phía trong.
Nguyên nhân và sự hình thành bão nhiệt đới
Theo các nhà khoa học phân tích, khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống biển sẽ làm cho nước bay hơi và tạo ra một lớp không khí ẩm phía trên mặt biển. Ở nơi có áp suất thấp, nước biển sẽ bay hơi nhiều hơn, bay cao hơn tạo thành một cột khí ẩm. Càng lên cao, cột khí ẩm này càng lạnh dần đi và đến một lúc nào đó, chúng sẽ ngưng tụ lại thành nước, làm nóng không khí xung quanh (do sự ngưng tụ hơi nước thành nước có toả nhiệt). Không khí càng nóng, hơi nước lại càng bay cao hơn, khí ẩm càng được hút vào nhiều. Ngoài ra, khi không khí ẩm được hút vào, nó sẽ bị tác động bởi sự tự quay của Trái Đất (cụ thể là bị tác động bởi lực Coriolis – Lực quán tính khiến vật bị lệch quỹ đạo khi chuyển động trong một vật thể đang quay) và chuyển động xoáy tròn hay còn gọi là hoàn lưu. Khi tốc độ xoáy tròn này lớn hơn 17 m/s, chúng sẽ tạo thành bão.
Việc không khí bay lên và định hình trên tầng cao sẽ tạo thành một vùng áp cao phía trên đám mây. Vùng áp cao này đẩy sẽ đẩy không khí vào thành mắt bão. Cùng lúc đó, một phần nhỏ của khối khí trên cao sẽ tràn vào vùng trung tâm, làm tăng áp lực không khí đến mức trọng lượng của chúng nặng hơn dòng khí bay lên. Lúc này, dòng khí bắt đầu chìm xuống, tạo ra một vùng trời quang đãng, không mây, không mưa. Và đây chính là mắt bão.
Những điều kiện để hình thành nên cơn bão nhiệt đới
Theo thống kê thì có 6 điều kiện cần thiết để hình thành một cơn bão nhiệt đới. Cụ thể bao gồm:
– Nhiệt độ mặt nước biển đến độ sâu hơn 50 mét ít nhất phải vào khoảng 26,5 độ C.
– Sự mất ổn định của bầu khí quyển.
– Độ ẩm cao ở tầng đối lưu.
– Lực quán tính Coriolis đủ lớn để duy trì trung tâm áp suất thấp.
– Độ đứt gió (sự thay đổi tốc độ hoặc hướng gió bất ngờ trong một khoảng cách ngắn) thấp.
– Bề mặt nước biển bị xáo trộn với lực xoáy đủ mạnh.
Trên đây là những thông tin liên quan đến sự hình thành các cơn bão nhiệt đới mà 24hTin muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hi vọng sẽ giúp các bạn bổ sung thêm kiến thức về nguyên nhân hình thành nên bão – Một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn ra khá phổ biến và cũng gây nên rất nhiều thiệt hại về người, tài sản hàng năm ở nước ta hiện nay. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Bạn có thể tham khảo thêm các kiến thức lĩnh vực khoa học khác Tại Đây.
Video Clip sự hình thành và sức tàn phá của cơn bão Haiyan (Hải Yến)
***Bài viết có sự tham khảo và bổ sung thêm thông tin từ các nguồn tài liệu uy tín: wikipedia.org, youtube.com, BBC
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.