Sóng thần được xem là “cơn phẫn nộ của đại dương”, xuất hiện bởi sự va chạm mảng lục địa, phun trào núi lửa dưới biển hoặc động đất,….Trong lịch sử đã từng có rất nhiều trận sóng thần xảy ra ở Nhật Bản và các nước xung quanh Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines,…với sức tàn phá khủng khiếp. Vậy Việt Nam có xảy ra sóng thần không?
Ở Việt Nam có xảy ra sóng thần hay không?
Việt Nam có vị trí nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc phía Đông Nam châu Á. Đường biên giới nước ta giáp với: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đường bờ biển dài, chạy dọc ở phía Đông với khoảng 3.260 km. Do đó, bão, lũ là những thiên tai rất thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, trong lịch sử nước ta chưa từng ghi nhận về việc sóng thần xuất hiện. Chỉ có một vài trường hợp xuất hiện những đợt sóng cao bất thường được ghi chép lại, chẳng hạn như:
– Năm 1923, Nha Trang xuất hiện đợt sóng làm hư hỏng chuồng ngựa của nhà bác sĩ Yersin, nằm cách biển 6 mét.
– Năm 1978 ở Trà Cổ, Móng Cái xuất hiện các đợt sóng cao 2 – 3 mét làm gãy, đổ hàng phi lao ven bờ.
Tại sao Việt Nam không có sóng thần?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những nơi dễ xuất hiện sóng thần nhất là điểm tiếp giáp của các mảng kiến tạo hoặc nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, chẳng hạn như đất nước Nhật Bản. Thế nên, sóng thần là một thảm họa xảy ra rất thường xuyên ở đảo quốc này. Trong khi đó, nước ta đều không thuộc cả hai trường hợp trên nên khả năng xảy ra sóng thần là vô cùng thấp. Ngoài ra, xung quanh bờ biển đều tiếp giáp với các quốc gia như: Trung Quốc (phía Bắc), Philippines (phía Đông), Malaysia (phía Nam), Thái Lan (phía Tây), nên nếu sóng thần xảy ra, phần lớn sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia kể trên.
Theo nghiên cứu của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam, hai khu vực có nguy cơ xảy ra sóng thần, gây ảnh hưởng đến Việt Nam là máng biển sâu Manila ở phía Tây Philippines và vùng nằm trên bờ đứt gãy kinh tuyến 109 độ thuộc thềm lục địa Nam Trung Bộ. Trong đó, khu vực có nguy cơ xảy ra sóng thần cao hơn là máng biển sâu Manila. Tuy nhiên, nếu thật sự thảm họa này xảy ra thì cũng phải mất đến khoảng 2 giờ để đến được Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời. Các tỉnh giáp biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi có nguy cơ ảnh hưởng của sóng thần nhiều nhất. Để kịp thời phát hiện, báo tin sóng thần thì năm 2007, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện vật lý địa cầu đã được thành lập.
Hi vọng rằng sau khi tham khảo bài viết trên đây của 24hTin, các bạn đã biết Việt Nam có sóng thần hay không và nếu có thì những khu vực nào sẽ có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất. Từ đó, luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để ứng phó với thiên tai này nếu không may xảy đến.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.