Để rau quả được phát triển thuận lợi, sinh trưởng tốt, ít sâu bọ, điều quan trọng là bạn nên trồng đúng mùa vụ. Rau trồng đúng thời điểm cộng với việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tháng 8 dương lịch có khí hậu mát mẻ, thích hợp để bà con chuẩn bị một vụ mùa mới với những loại rau củ nhiều dinh dưỡng. Có nhiều bạn đọc thắc mắc tháng 8 trồng rau gì để thu hoạch năng suất cao? Dưới đây là danh sách các loại rau củ nên trồng vào tháng 8 dương lịch chúng tôi chia sẻ để các bạn tham khảo.
Rau xà lách
Xà lách là loại rau được ưa chuộng để làm salad hoặc ăn sống, nhưng rau xà lách ngoài thị trường thường không đảm bảo an toàn vì có hàm lượng thuốc trừ sâu và phân bón cao. Nên nếu được thì tốt nhất là bạn nên trồng tại nhà. Loại rau này trồng cũng rất đơn gian bởi chúng không kén đất. Tuy nhiên tốt nhất nên sử dụng đất chuyên dụng trồng rau sạch, có thể trộn thêm xơ dừa để thoát nước tốt hơn. Rau xà lách có cách trồng cực đơn giản. Bạn chỉ cần ngâm hạt với nước ấm từ 1 – 2 giờ rồi đem gieo sâu vào đất với độ sâu khoảng 0.5cm. Xà lách ưa bóng râm mát, có độ sáng vừa đủ, muốn rau giòn và tươi thì tưới nước thường xuyên. Sau khoảng từ 30 – 50 ngày có thể thu hoạch chúng bằng cách cắt ngọn để ăn dần và bón phân vi chất bổ sung dinh dưỡng cho đợt sau. Ngoài cách trồng bằng hạt giống thì bạn cũng có thể trồng bằng các cây giống.
Su hào
Su hào là loại rau củ thích hợp để trồng từ tháng 8. Thời điểm này rất thích hợp về thời thiết cho su hào phát triển. Bạn có thể trồng su hào tại nhà trong thùng xốp, chậu hoặc bồn bằng cách cho đất chuyên dụng dùng để trồng rau sạch vào. Hạt su hào sau khi ngâm nước ấm bạn có thể đem gieo sâu từ 0.3 – 0.5 cm dưới bề mặt đất ẩm. Khoảng 20 ngày sau, khi lá non đã mọc thì bắt đầu chuyển cây con vào chậu trồng, mỗi chậu từ 2 – 3 cây. Sau khoảng 80 ngày kể từ khi gieo trồng bạn có thể ngắt củ để ăn. Vì đây là loại củ dễ trồng nên để đẩy nhanh thời gian gieo hạt, bạn có thể lựa chọn mua cây giống. Nếu bạn chưa biết tháng 8 nên trồng rau củ gì thì đừng bỏ qua gợi ý su hào nhé!
Đậu rồng
Đậu rồng là loại thực vật khá phổ biến ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mọi thành phần của cây đều có thể chế biến thành món ăn ngon và bổ dưỡng. Ở Việt Nam, đây là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày. Các món chay chế biến từ đậu rồng cũng dễ thực hiện. Vị giòn ngọt của đậu rồng là điểm nhấn giúp món ăn thêm ngon. Đậu rồng thường được ăn kèm với các loại mắm, cá kho, thịt kho,…như một loại rau trong bữa ăn. Đậu rồng khi làm gỏi cũng mang mùi vị rất đặc biệt. Nhiệt độ thích hợp trồng đậu rồng là từ 18 – 30 độ. Trồng đậu rồng có thể làm giàn leo, vừa lấy bóng mát, vừa lấy quả ăn. Đậu rồng thích hợp gieo trồng vào vụ thu từ tháng 8. Sau hơn 3 tháng trồng có thể cho thu hoạch quả.
Mướp đắng
Mướp đắng còn được gọi là khổ qua, thường được kết hợp chế biến thành các món ăn ngon khác nhau trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình người Việt. Mướp đắng có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt đối với sức khỏe, như giúp: dưỡng huyết, bổ gan, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc,….Mướp đắng có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, tháng 8 là thời điểm thích hợp nhất để trồng bởi lúc này có nắng nóng đi kèm mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi để cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Nếu bạn đang phân vân tháng 8 trồng gì thì mướp đắng là loại cây phù hợp nhất.
Dưa leo
Dưa leo hay còn gọi là dưa chuột, đây là loại quả chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và là thực phẩm phổ biến trong đại đa số các gia đình. Dưa leo có tính mát, giàu vitamin và đặc biệt là rất dễ trồng. Dưa leo không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mà còn là sản phẩm được ưa chuộng trong việc làm đẹp, chống oxy hóa. Dưa leo là cây trồng mùa ấm, không chịu được sương giá, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 20 – 30 độ C. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam, cây dưa leo có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, ở miền Bắc, bạn chỉ nên trồng dưa leo vào cuối xuân đến hết thu.
Rau ngót
Rau ngót hay còn gọi là bồ ngót, là một loại rau phổ biến, dễ sống, thường được trồng vào đầu tháng 8. Rau ngót được trồng bằng thân và có thể trồng ở mọi nơi. Rau ngót sinh trưởng rất khỏe, cực kì ít sâu bệnh nên không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đặc điểm này mà rau ngót ăn rất lành và an toàn cho sức khỏe. Mỗi lần thu hoạch, chỉ cần cắt ngang thân sau đó bổ sung cho chúng ít phân bón thì cây sẽ đâm chồi và xanh tốt trở lại. Về mặt dinh dưỡng, rau ngót có hàm lượng đạm cao, giàu vitamin C và K. Rau ngót có vị ngọt sẵn nên thường được các bà nội trợ dùng để nấu canh.
Trên đây là các gợi ý về loại rau, củ, quả nên trồng tháng 8 để nhanh thu hoạch và đạt hiệu quả cao. Hi vọng sau khi đọc bài viết, bạn sẽ chọn được các loại rau trồng tháng 8 dương lịch mà mình yêu thích. Hãy dành ra một chút thời gian tiến hành gieo trồng ngay hôm nay để có được những chậu rau xanh tươi, bổ dưỡng bạn nhé! Chúc các bạn thành công!
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.