Xử phạt hành chính là hình thức được áp dụng cho các đối tượng vi phạm hành chính và không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật. Các biện pháp xử phạt hành chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề,….Tuy nhiên cũng như tội phạm hình sự, những đối tượng vi phạm hành chính sẽ chỉ bị phạt khi đủ độ tuổi chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Vậy độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm khi vi phạm hành chính là bao nhiêu?
Độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hành chính là bao nhiêu?
► Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội ban hành vào ngày 20 tháng 06 năm 2012:
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do các hành vi cố tình vi phạm.
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm.
► Ngoài ra, trong các Điều 90, 92, Luật xử lý vi phạm hành chính có nêu rõ biện pháp xử phạt cho những đối tượng vi phạm hành chính nhưng chưa đủ tuổi theo quy định, cụ thể như sau:
– Người đủ từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính là giáo dục giáo dưỡng tại nơi cư trú.
– Người đủ từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi vi phạm của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
Như vậy, những người đủ từ 14 đến dưới 16 tuổi khi vi phạm hành chính có thể bị xử phạt nếu cố tình. Người đủ từ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm với mọi hành vi vi phạm. Người đủ từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi vi phạm hành chính cũng sẽ có biện pháp xử phạt riêng.
Những trường hợp nào không bị xử phạt hành chính?
Mặc dù pháp luật nước ta đã quy định về độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, những người gây lỗi có thể được xem xét để miễn trừ trách nhiệm và không bị xử phạt mặc dù đã đủ tuổi tối thiểu theo quy định. Những trường hợp có thể được xem xét để không bị xử phạt hành chính cụ thể như sau:
► Trường hợp cấp thiết, không còn cách nào khác ngoài việc phạm lỗi, gây ra thiệt hại nhỏ để tránh cho những thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra, đe dọa đến lợi ích thực tế của Nhà nước cũng như quyền lợi chính đáng của bản thân hoặc mọi người xung quanh.
► Trường hợp phạm lỗi để chống trả một cách cần thiết với người đang có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của Nhà nước, bản thân cũng như mọi người xung quanh. Trường hợp này được coi là phạm lỗi do phòng vệ chính đáng nên sẽ được xem xét để loại trừ trách nhiệm.
► Trường hợp phạm lỗi do không thấy trước được hậu quả của một sự kiện bất ngờ có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho xã hội.
► Trường hợp bất khả kháng, không thể lường trước và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép.
► Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi của mình.
► Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đây là thông tin về độ tuổi chịu trách nhiệm vi phạm hành chính mà 24hTin chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết độ tuổi tối thiểu sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạm hành chính là bao nhiêu và có những trường hợp ngoại lệ nào sẽ được miễn trừ hoặc không bị xử phạt hành chính từ đó cân nhắc trước khi thực hiện các hành vi nào đó.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.