Vào những năm 80 của thế kỷ trước, châu Á trở thành một trung tâm kinh tế mới, năng động và đầy tiềm năng nhưng lại thiếu đi hình thức giúp các nước trong khu vực có thể liên kết, cùng hợp tác phát triển. Do đó, năm 1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập. Hãy cùng 24hTin tìm hiểu cơ cấu của tổ chức APEC để hiểu rõ hơn về diễn đàn này.
Khái quát chung về APEC
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia – Pacific Economic Cooperation), gọi tắt là APEC, được thành lập vào năm 1989 tại Can-bê-ra. Ban đầu, tổ chức có sự góp mặt của 12 thành viên và cho đến nay, con số này đã được tăng lên là 21, bao gồm các quốc gia châu Á và những châu lục khác trên bờ Thái Bình Dương. APEC hoạt động với nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc và mục tiêu là xây dựng một cộng đồng kinh tế gắn kết, thịnh vượng, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa các nước trong khu vực.
Cơ cấu của tổ chức APEC
Cơ cấu hoạt động của APEC bao gồm các cấp chính sách, cấp làm việc và ban thư ký với sự tham gia điều hành của tất cả các nước thành viên. Dù được gọi là diễn đàn nhưng APEC lại có một thể chế tổ chức và hoạt động rất chặt chẽ.
Cấp chính sách
– Hội nghị không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM): Là nơi định hướng chiến lược, vạch ra các tầm nhìn dài hạn và cũng là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của APEC.
– Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC: Được tổ chức thường niên với sự tham gia của các Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao. Chức năng chính của Hội nghị Bộ trưởng là thông qua các nguyên tắc, mục tiêu, đánh giá và xem xét hoạt động của các cơ quan cấp dưới, đề xuất ý kiến lên Hội nghị Lãnh đạo.
Cấp làm việc
– Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM): Hội nghị diễn ra thường kỳ nhằm chuẩn bị và đưa ra các khuyến nghị trình Hội nghị Bộ Trưởng.
– Ủy ban Thương mại và Đầu tư: Nhiệm vụ chính là thúc đẩy hợp tác kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư của các nước thành viên.
– Ủy ban điều hành SOM về hợp tác Kinh tế – Kỹ thuật: Có nhiệm vụ hỗ trợ các Quan chức cấp cao trong việc phối hợp và quản lý hoạt động hợp tác Kinh tế – Kỹ thuật.
– Ủy ban Kinh tế: Là cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu các chỉ số kinh tế và thúc đẩy đối thoại về kinh tế giữa các nước thành viên.
– Ủy ban Ngân sách và Quản lý: Có chức năng tư vấn cho các Quan chức cấp cao về vấn đề ngân quỹ. Đồng thời, quản lý ngân sách hoạt động của tổ chức.
– Các Nhóm công tác: Đến nay, APEC đã thành lập 11 nhóm công tác để phụ trách về các vấn đề cụ thể. Bao gồm: Vận tải; Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Bảo vệ tài nguyên biển; Thông tin và Viễn thông ; Năng lượng; Du lịch; Nghề cá; Phát triển Nguồn nhân lực; Khoa học và công nghệ; Xúc tiến thương mại.
– Các Nhóm đặc trách của SOM: 03 Nhóm đặc trách SOM có nhiệm vụ xác định và khuyến nghị đối với các vấn đề liên quan. Các nhóm này là: Nhóm đặc trách về Mạng các điểm liên hệ về giới, phát triển các chương trình thúc đẩy về giới, thúc đẩy tham gia của nữ vào hoạt động APEC; Nhóm Thương mại Điện tử, thúc đẩy các hoạt động hợp tác thương mại; Nhóm chống khủng bố, giúp đỡ các thành viên xác định và tìm kiếm phương án đối phó với hoạt động khủng bố tại quốc gia.
Ban thư ký
Ban thư ký APEC có trụ sở tại Singapore, đứng đầu là Giám đốc điều hành, có thời hạn làm việc 1 năm. Ban thư ký là một cơ quan giúp việc quan trọng cho Hội nghị Quan chức cao cấp, có chức năng tư vấn và hỗ trợ các hoạt động của APEC cũng như điều hành, quản lý ngân sách tổ chức.
Trên đây là một số thông tin về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái BÌnh Dương mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết rõ hơn về APEC và cơ cấu tổ chức APEC là như thế nào?
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.